Thực hiện chỉ đạo của NHNN, UBND tỉnh Bắc Kạn, Ngân hàng NHNN Chi nhánh tỉnh tiếp tục chỉ đạo hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến cơ cấu lại và xử lý nợ xấu.
Cụ thể như: Yêu cầu Agribank Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, các đơn vị trực thuộc chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại sai phạm qua thanh tra; thực hiện một số nội dung liên quan đến khoản vay của Công ty Cổ phần Sài Gòn - Ba Bể; thực hiện một số nội dung liên quan đến khoản vay của Công ty Cổ phần thuỷ điện Sử Pán I. Đề nghị BIDV Bắc Kạn thực hiện một số nội dung liên quan đến hoạt động phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, việc đôn đốc thu hồi nợ đối với khoản vay của Công ty TNHH BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp. Yêu cầu Vietinbank Bắc Kạn báo cáo một số nội dung hạch toán nợ xử lý rủi ro tại đơn vị...
Theo NHNN Chi nhánh tỉnh, ước tính nợ xấu đến 31/10/2024 là 307,2 tỷ đồng, chiếm 2,06% trong tổng dư nợ, tăng 235,2 tỷ đồng so với 31/12/2023. Trong đó, nợ xấu của các Chi nhánh NHTM là 300,8 tỷ đồng, nợ quá hạn và nợ khoanh của Chi nhánh NHCSXH tỉnh là 6,4 tỷ đồng.
Liên quan tới các khoản nợ của các doanh nghiệp, công ty hiện nay đối với một số Ngân hàng trên địa bàn, qua tìm hiểu cho thấy đối với Agribank Chi nhánh tỉnh đến 30/11/2024, nợ xấu là 36 tỷ đồng (chiếm 0,86%) trên tổng dư nợ, cao hơn kế hoạch của Agribank giao.
Theo đại diện của Agribank Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn cho biết, sẽ quyết tâm đến 31/12/2024 đưa nợ xấu về dưới 0,08%. Đối với khoản vay của Công ty Cổ phần thuỷ điện Sử Pán I được phía đơn vị giải thích trong giai đoạn phía ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ (chuyển nhóm nợ) về nhóm 1. Đây là hoạt động liên ngân hàng khu vực nên số nợ xấu thể hiện khi cơ cấu lại thời hạn. Đối với khoản vay của Công ty Cổ phần Sài Gòn - Ba Bể. “Phía ngân hàng sẽ làm việc với chủ đầu tư, Công ty Sài Gòn - Ba Bể, thậm chí sẽ khởi kiện theo quy định”, Agribank cho biết thêm.
Theo Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV), đến ngày 30/11/2024, tỷ lệ xấu của đơn vị là 0,45% trên tổng dư nợ, giảm 0,38% so với 31/12/2023, chất lượng tín dụng đang được kiểm soát tốt. Một số khách hàng mất khả năng trả nợ bởi dịch Covid-19 và mất khả năng thanh toán do yếu kém trong điều hành hoạt động kinh doanh, quản lý tài chính. Các biện pháp thực hiện đối với các khoản nợ xấu là thường xuyên đôn đốc khách hàng trả nợ, đến hạn, khởi kiện khách hàng ra tòa án, xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ...
Lĩnh vực kinh doanh của các ngân hàng thời gian qua bị ảnh hưởng lớn từ tác động của nền kinh tế, theo đó nợ xấu có chiều hướng tăng (vẫn trong tầm kiểm soát), cùng với đó là việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Đặc biệt trong giai đoạn từ đầu năm tới nay, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng đối với doanh nghiệp, HTX trên địa bàn còn thấp do khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã chủ yếu là quy mô nhỏ, lẻ, qua thẩm định phương án sản xuất kinh doanh chưa khả thi, không có tài sản bảo đảm hoặc tài sản bảo đảm chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định. Hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp bị tác động bởi thiên tai, dịch bệnh.
Theo đó vấn đề xử lý nợ xấu tiếp tục được NHNN và các TCTD quyết liệt thực hiện theo chỉ đạo và giữ ở mức phù hợp, đảm bảo an toàn nguồn vốn và có phương án xử lý nợ xấu theo quy định./.