
Trong đợt này, tỉnh Bắc Kạn được hỗ trợ 4.520 liều vắc xin sởi, sởi – Rubella, tiêm cho trẻ em đủ từ 01 đến 10 tuổi đang có mặt tại địa phương (kể cả trẻ vãng lai) chưa được tiêm vắc xin chứa thành phần sởi, sởi – Rubella trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Theo Sở Y tế tỉnh, tính từ đầu năm đến ngày 24/3, toàn tỉnh phát hiện 17 trường hợp sốt phát ban được chẩn đoán xét nghiệm mắc sởi, không có trường hợp tử vong do bệnh sởi. Để tiếp tục tăng cường phòng chống bệnh sởi, Sở Y tế đề nghị các đơn vị y tế trong tỉnh chỉ đạo các điểm tiêm chủng thực hiện nghiêm túc công tác tiếp đón, khám, tư vấn, theo dõi sau tiêm.

Bố trí hợp lý, quy trình một chiều, lập danh sách cụ thể và thông báo đầy đủ thời gian, địa điểm tiêm. Thực hiện vận động, truyền thông, tổ chức công tác tiêm chủng để đạt được mục tiêu bao phủ tốt nhất có thể, giúp tỉnh sớm bao phủ đạt tỷ lệ tiêm chủng đề ra.
Để phòng chống bệnh sởi, Cục Phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo:
1. Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin phòng bệnh Sởi đi tiêm đầy đủ, đúng lịch và các nhóm tuổi khác (6-9 tháng, 1-10 tuổi) tham gia chiến dịch tiêm vắc xin phòng, chống bệnh sởi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
2. Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi; đeo khẩu trang nơi đông người, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.
3. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày; đảm bảo dinh dưỡng, giữ ấm cơ thể cho trẻ.
4. Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng và đủ ánh sáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.
5. Khi phát hiện có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh Sởi (sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban) cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời./.