Cây lê ở Bản Cám

Cây lê được người dân Bản Cám, xã Cao Thượng (Ba Bể) trồng từ lâu nhưng chỉ để phục vụ nhu cầu gia đình. Mấy năm trở lại đây, nhận thấy giá trị kinh tế của loại cây ăn quả này, bà con tham gia dự án trồng lê theo hướng hàng hóa.

Cây lê được người dân Bản Cám, xã Cao Thượng (Ba Bể) trồng từ lâu nhưng chỉ để phục vụ nhu cầu gia đình. Mấy năm trở lại đây, nhận thấy giá trị kinh tế của loại cây ăn quả này, bà con tham gia dự án trồng lê theo hướng hàng hóa.

mỗi năm gia đình ông Triệu Văn Hoa, thôn Bản Cám có thu nhập trên 10 triệu đồng từ trồng lê.
mỗi năm gia đình ông Triệu Văn Hoa, thôn Bản Cám có thu nhập trên 10 triệu đồng từ trồng lê.

Trên cơ sở khảo sát, đánh giá điều kiện thổ nhưỡng thực tế địa phương, năm 2012 Phòng Nông nghiệp huyện Ba Bể đã xây dựng dự án hỗ trợ trồng cây lê xanh tại thôn Bản Cám với diện tích 1ha cho 8 hộ tham gia. Năm 2016, Hội Nông dân huyện phối hợp với xã Cao Thượng triển khai dự án hỗ trợ trồng 1ha cây lê, tương ứng với 400 cây giống và hỗ trợ phân lân cho 6 hộ tham gia. Tham gia dự án, các hộ dân được tập huấn khoa học kỹ thuật, hiện các cây đã trồng của dự án đang phát triển với tỉ lệ sống cao.

Ngoài ra, người dân trong thôn còn tự mua giống về trồng, mở rộng diện tích. Đến nay, toàn thôn có khoảng 3ha diện tích trồng lê xanh, trong đó hơn 100 cây đã cho thu hoạch. Hiện nay, việc tiêu thụ lê ở Bản Cám khá thuận lợi, tư thương nhiều nơi đến thu mua.

Cây lê có ưu điểm ít sâu bệnh, sai quả và có khả năng kháng chịu khí hậu lạnh. Quả lê chín có thể hái tỉa bán từ tháng 6 đến tháng 8 dương lịch, đối với năm nhuận thì thu hoạch kéo dài đến giữa tháng 10 mới kết thúc. Lê trồng ở Bản Cám có hình tròn dẹp, vỏ màu xám, mịn và mỏng, lớp bên trong vỏ có màu xanh, khi ăn có vị ngọt mát, dịu nhẹ.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn lê đang cho thu hoạch, ông Triệu Văn Hoa- người dân thôn Bản Cám cho biết: Gia đình đã trồng giống lê địa phương từ lâu, cây cho quả rất sai và tuổi thọ hơn 40 năm. Một lần sang huyện Nà Hang, tỉnh Tuyên Quang, thấy có bán giống lê xanh, ông Hoa mua 20 cây về trồng thử nghiệm. Sau khoảng 6 năm cây bắt đầu cho quả. Với 12 cây đã được thu hoạch, mỗi năm ông thu về gần 1 tấn quả, giá bán bình quân 10.000 đồng/kg. Vụ lê năm 2017, chỉ tính từ giữa tháng 7 đến nay, ông đã xuất bán được 6 tạ quả.

Lê năm nay sai nhưng quả nhỏ hơn so với mọi năm. Hiện, gia đình ông Hoa còn có khoảng 30 cây lê trồng được 2 - 5 năm theo dự án của huyện Ba Bể triển khai, dự kiến sang năm sau cây bắt đầu cho quả. Kinh nghiệm của ông là trồng lê cây cách cây 20m2. Vào mùa đông lê rụng lá, vì vậy có thể trồng xen canh nhiều loại cây ngắn ngày như ngô, sắn để tăng hiệu quả sử dụng đất.

Thôn Bản Cám có 78 hộ dân, 100% là đồng bào Dao Tiền. Toàn thôn có 29 hộ nghèo, 23 hộ cận nghèo. Cuộc sống ngoài cây ngô, lúa, chăn nuôi thì vẫn còn nhiều khó khăn trong việc tìm cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu nhập đáng kể để đổi thay mọi mặt của đời sống. Cây lê được khẳng định phù hợp với đồng đất Bản Cám nhưng hiện hầu hết các hộ phát triển nhỏ lẻ, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Do vậy, những thành quả bước đầu của việc mở rộng diện tích trồng cây lê theo hướng hàng hóa đang mở ra hướng đi mới cho người dân, giúp chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và tập quán canh tác của bà con; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân để góp phần xóa đói, giảm nghèo hiệu quả./.

Hà Nhung

Xem thêm