Sáng nay (22/5), tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Triệu Thị Thu Phương- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn đã có một số ý kiến góp ý Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2021 và điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2020 theo Tờ trình số 529/TTr-UBTVQH14 ngày 18/5/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đại biểu Triệu Thị Thu Phương- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn phát biểu góp ý Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2021 tại phiên họp sáng nay 22/5, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. |
Về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Đại biểu Triệu Thị Thu Phương cơ bản nhất trí với đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về những kết quả đạt được trong công tác xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2019 và những tháng đầu năm 2020 từ khâu chuẩn bị đề xuất đưa dự án vào chương trình cho đến xem xét, thông qua tiếp tục có những cải tiến, đổi mới. Công tác phối hợp giữa các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội và cơ quan, tổ chức liên quan ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo, chủ trì thẩm tra được tăng cường trong tất cả các giai đoạn của quy trình; việc tổng hợp và giải trình tiếp thu ý kiến của đại biểu được làm kỹ lưỡng và bài bản hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc lập và thực hiện Chương trình vẫn còn những tồn tại, hạn chế từ nhiều năm qua chậm được khắc phục, tôi đồng tình cao với báo cáo thẩm tra của UBPL là trong việc lập Chương trình xây dựng pháp luật cho thấy tính dự báo của Chương trình không cao; việc đề nghị điều chỉnh chương trình để bổ sung thêm dự án luật vẫn diễn ra phổ biến, trong đó không ít dự án luật được đề nghị bổ sung vào thời điểm sát với kỳ họp Quốc hội, gây khó khăn, bị động cho các cơ quan của Quốc hội; tình trạng xin lùi xin rút dự án luật ra khỏi chương trình do chưa chuẩn bị kịp vẫn diễn ra.
Cụ thể, năm 2019, chính phủ đề nghị bổ sung 9 dự án luật, lùi thời gian trình 4 dự án, rút khỏi chương trình 1 dự án. Năm 2020, chính phủ đề nghị bổ sung 8 dự án luật, rút khỏi chương trình 01 dự án luật. Việc gửi Hồ sơ một số dự án Luật đến Đoàn ĐBQH, đại biểu Quốc hội nghiên cứu chậm so với quy định (đơn cử tại kỳ họp này sát phiên thảo luận đại biểu mới nhận được dự thảo luật, ví dụ: Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Doanh nghiệp sửa đổi; luật xây dựng...
Về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh chương trình năm 2020.
Đại biểu Triệu Thị Thu Phương thể hiện sự đồng tình cao đối với Báo cáo thẩm tra đề nghị, kiến nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình, xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 của Ủy ban Pháp luật. Báo cáo đã đánh giá cụ thể tình hình thực hiện chương trình trong năm 2019, những tháng đầu năm 2020 và thẩm tra cụ thể đối với từng dự án luật dự kiến được đưa vào chương trình năm 2021 và điều chỉnh chương trình năm 2020.
Về việc lập chương trình xây dựng luật năm 2021, cần xem xét thiết kế đảm bảo phù hợp với đặc điểm tình hình của năm 2021, là năm chuyển giao giữa 02 nhiệm kỳ của Quốc hội. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần rà soát công tác chuẩn bị các dự án luật để đảm bảo tính liên tục trong quá trình lấy ý kiến góp ý, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, thuận lợi cho đại biểu Quốc hội trong quá trình nghiên cứu cho ý kiến, đảm bảo chất lượng các dự án Luật khi thông qua. Do đó, đại biểu Triệu Thị Thu Phương đồng tình với việc điều chỉnh lùi thời gian trình dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) sang nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Đối với việc điều chỉnh một số dự án Luật cụ thể: Một là, đối với dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), đại biểu đề nghị xác định cụ thể lộ trình cho ý kiến và thông qua đối với Luật này theo hướng: Cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 và thông qua tại kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIV. Để đảm bảo tính liên thông giữa Luật này với Luật Xử lý vi phạm hành chính, cũng như đảm bảo việc theo dõi, nghiên cứu liền mạch của các ĐBQH.
Hai là, đối với dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi). Đây là dự án thuộc Chương trình năm 2019, dự kiến trình UBTVQH tại phiên họp thứ 40 (tháng 12/2019). Pháp lệnh là văn bản pháp lý quan trọng thể chế hóa chủ trương, đường lối chỉ đạo của Đảng về chính sách đối với người có công với cách mạng, là căn cứ pháp lý cho các cấp chính quyền tổ chức triển khai chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công và thân nhân người có công với cách mạng. Tuy nhiên, do còn nhiều nội dung chưa được đánh giá tác động đầy đủ và việc sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh này có liên quan đến Luật Thi đua, khen thưởng nên Pháp lệnh đến nay chưa được thông qua.
Trong khi đây là một trong những nội dung được cử tri rất quan tâm, nhất là trong thời gian vừa qua đã phát hiện nhiều trường hợp làm giả mạo hồ sơ, giấy tờ để được hưởng các chế độ, chính sách đối với người có công; một số trường hợp chưa được công nhận liệt sỹ do thời gian đã quá lâu, hầu hết thân nhân không còn lưu giữ được các giấy tờ liên quan, có trường hợp chỉ có xác nhận của nhân chứng biết sự việc hy sinh, có trường hợp theo phong tục tập quán thì các giấy tờ liên quan đến quân nhân hy sinh đã được gia đình thiêu hóa cùng thời điểm tổ chức tang lễ, ngoài ra không còn giấy tờ gì khác; nhân chứng xác nhận và thân nhân (cha mẹ đẻ, anh chị em ruột, vợ, con...) đều đã chết. Do đó việc tìm kiếm, xác minh, cung cấp giấy tờ gốc, giấy tờ có liên quan, bổ sung hồ sơ theo các quy định hiện hành rất khó khăn và không thể thực hiện được.
Vì vậy, đại biểu Triệu Thị Thu Phương đề nghị cần sớm thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 10 theo quy trình tại một kỳ họp và đồng thời cần tổ chức đánh giá tác động của việc sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh này và lấy ý kiến từ các địa phương, nhất là ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp để góp phần hoàn thiện Pháp lệnh đảm bảo tính khả thi khi được thông qua./.
Quý Đôn