Hướng tới Kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7

Đại đội Thanh niên xung phong 915 - khúc tráng ca bất tử

48 năm đã trôi qua, nhưng kí ức về sự hy sinh đầy bi tráng của 60 liệt sĩ TNXP của Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái vào đêm Noel 24/12/1972 vẫn không hề phai dấu trong lòng Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc 2 tỉnh Thái Nguyên - Bắc Kạn...

48 năm đã trôi qua, nhưng kí ức về sự hy sinh đầy bi tráng của 60 liệt sĩ TNXP của Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái vào đêm Noel 24/12/1972 vẫn không hề phai dấu trong lòng Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc 2 tỉnh Thái Nguyên - Bắc Kạn...

Tháng 6/1972, Đại đội 915 thuộc Đội TNXP 91 Bắc Thái được thành lập với 102 cán bộ, đội viên, chủ yếu là người Tày, người Nùng, người Dao, là con em nhân dân thuộc các huyện Chợ Rã (nay là huyện Ba Bể), Chợ Đồn, Bạch Thông, Na Rì (nay thuộc tỉnh Bắc Kạn) và Đồng Hỷ, Phổ Yên, Đại Từ, Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên). Đơn vị có nhiệm vụ duy trì hoạt động các tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh thường xuyên bị máy bay Mỹ ném bom ác liệt. Cán bộ, đội viên Đại đội ngày đêm sửa chữa, duy tu và nâng cấp đoạn Quốc lộ 1B từ cầu Gia Bảy - La Hiên - Võ Nhai; đường 16A đoạn từ Chùa Hang đến Trại Cau. Đây đều là huyết mạch giao thông chiến lược tới "cảng cạn" Lưu Xá, với lưu lượng xe vận tải mỗi ngày đêm lên tới vài trăm lượt.

Khách tham quan khu trưng bày hiện vật Đại đội 915
Khách tham quan khu trưng bày hiện vật Đại đội 915.

Trong chiến sự ác liệt, các cô gái, chàng trai Đại đội 915 tuổi 18, đôi mươi đã không kể ngày hay đêm, dù no hay đói, vẫn miệt mài san lấp hố bom, thông đường, hướng dẫn xe vượt trọng điểm. Các chị, các anh làm việc với tinh thần “Sống bám cầu đường, chết kiên cường bất khuất”.

Tái hiện Ga Lưu Xá trong Khu di tích
Tái hiện Ga Lưu Xá trong Khu di tích.

Ngày 24/12/1972, biết rõ nhiệm vụ bốc dỡ, vận chuyển hàng quân sự cho tiền tuyến ngày 24/12 là rất nguy hiểm, nhưng cán bộ, đội viên TNXP 915 vẫn hăng hái xung phong tham gia vượt chỉ tiêu quân số trên giao. 66 cán bộ, đội viên Đại đội 915 cùng với Đội phó Đội TNXP 91 đã lên đường nhận nhiệm vụ với tâm thế của những người lính ra trận. Suốt một ngày bốc vác, vận chuyển hàng hóa, quân trang, quân dụng hăng say vất vả, chưa kịp ăn bữa cơm chiều. Trong căn hầm trú ẩn ở Gia Sàng, 60 TNXP Đại đội 915, đội 91 Bắc Thái và 2 thủ kho lương thực... đã ra đi trong sự tiếc thương của gia đình, đồng đội, bản làng quê hương. Trong số đó có 41 người con ưu tú của núi rừng Bắc Kạn, những người rất trẻ, ở lứa tuổi đẹp nhất của cuộc đời, đã mãi mãi ra đi với bao ước mơ, hoài bão còn dang dở...

Chiếc áo rét của bà Bùi Thị Loan (Bằng Lãng, Chợ Đồn) được trưng bày trong khu di tích
Chiếc áo rét của bà Bùi Thị Loan (Bằng Lãng, Chợ Đồn) được trưng bày trong khu di tích.

Bà Bùi Thị Loan- thương binh, cựu TNXP Đại đội 915 anh hùng, hiện ở thôn Bản Lắc, xã Bằng Lãng, Chợ Đồn, là người may mắn sống sót trong đêm Noel kinh hoàng. Trong trận bom ngày 24/12/1972 tại ga Lưu Xá, bà Loan được xác định đã hy sinh. Đồng đội đưa bà và toàn bộ tử sĩ về nghĩa trang Dốc Lim chờ để sáng hôm sau an táng. Thật may mắn, đến khi chuẩn bị chôn cất thì đồng đội phát hiện người bà Loan còn ấm và môi hơi mấp máy nên kịp thời đưa đi cấp cứu. Di chứng của các vết thương khiến cô TNXP 17 tuổi bị câm, mất trí nhớ trong 3 năm trời. Câu chuyện về bà thật xúc động, đó là tình yêu thủy chung son sắt. Khi đi thanh niên xung phong, người yêu đã tặng một kỷ vật là chiếc áo rét. Bà luôn gìn giữ kỷ vật tình yêu và niềm tin mãnh liệt với người yêu nơi tiền tuyến (hiện nay chiếc áo rét được trưng bày khu Di tích lịch sử quốc gia TNXP Đại đội 915). Sau trận bom kinh hoàng, khi được cứu sống bà đã mất trí nhớ và đi lang thang về Bắc Kạn; đồng đội, người thân không biết bà ở đâu. Sau giải phóng, năm 1977, khi người yêu tìm về hỏi thì các đồng đội bảo bà đã hi sinh. Nhưng với linh cảm của mình, ông tin bà vẫn còn sống. Sau một thời gian tìm kiếm ông bà đã gặp lại nhau, bà được điều trị khỏi bệnh và họ về một nhà. Bà Loan về làm công tác văn thư đánh máy tại tỉnh Cao Bằng rồi về huyện Chợ Đồn sinh sống. Hiện nay, chồng bà đã mất.

Nhớ về Đại đội TNXP 915, bà Loan xúc động: Đó là những năm tháng thật hạnh phúc, Đại đội 915 đa phần là những người rất trẻ từ 16 đến 20 tuổi, chủ yếu là người Bắc Kạn. Một số người không biết chữ, nên có những anh học lớp 7 làm "giáo viên" dạy bổ túc cho người để biết đọc, biết viết. Thời đó thật sôi nổi, vui vẻ, mọi người đều háo hức được cống hiến sức mình cho đất nước. Dù gian khó, bom đạn hiểm nguy nhưng tất cả đều sẵn sàng hy sinh thân mình, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Bà Loan kể, trước đó đã chịu sức ép của trận bom ở Trại Cau, dù chưa hồi phục nhưng tiểu đội bà vẫn xung phong đi làm nhiệm vụ. Trong số 12 người, chỉ có bà và đồng chí Lương Thị Hội ở xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ, Thái Nguyên may mắn sống sót.

Trong số 7 người sống sót sau trận bom kinh hoàng đêm Noel 24/12/1972, có ông Hoàng Văn Thắng ở thôn Nà Duồng, xã Bằng Lãng. Những ký ức về trận bom dường như nguyên vẹn. Ông kể: Vào lúc 19h kém 25, anh em nhà bếp đang chia cơm, thì có báo động B52 rải thảm ở khu Hà Nội - Thái Nguyên. Quần áo lúc ấy ướt hết, đồng đội đã xuống hầm còn ông ngồi ở cửa hầm. Mọi người còn đang đùa nhau, bỗng có tiếng nổ ầm ầm, tai không nghe được nữa, hơi nóng của bom phả vào như ở trong lò, rất khủng khiếp. Đêm hôm đó, ông chứng kiến nỗi đau đồng đội và cả người yêu của mình hy sinh nhưng bất lực.

Câu chuyện tình của ông Hoàng Văn Thắng, nam TNXP duy nhất sống sót sau trận bom B52 đầy xúc động. Ông yêu người con gái xinh đẹp cùng quê Nông Thị Bích Nga, xã Hữu Thác (nay là xã Trần Phú), huyện Na Rì. Trước gian khổ và bom đạn ác liệt, tình yêu làm cả hai sống đẹp hơn, tự tin hơn và dũng cảm cùng đồng đội đối mặt với hiểm nguy rình rập. Khi những trái bom rơi trúng căn hầm, ông nghe tiếng bà Nga gọi ngay bên cạnh: “Anh ơi… Cứu em”. Nhưng ông Thắng bị thanh bê tông đè chặt và đau đớn bất lực nghe người yêu nấc lên trút hơi thở cuối cùng…

Sau đó, đồng đội mất rất nhiều thời gian mới giải cứu ông Thắng ra được. Di chứng của trận bom kinh hoàng khiến sức khỏe của ông Hoàng Văn Thắng suy giảm rất nhiều. Dù sau này được đồng đội cũ, gia đình động viên, nhưng trong lòng ông mãi in dấu hình ảnh cô gái Tày xinh đẹp đã hi sinh, nên đến nay ông vẫn không lập gia đình...

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, dù 60 người con ưu tú đã hy sinh khi làm nhiệm vụ, song lý tưởng đẹp đẽ của các chị, các anh vẫn còn sống mãi. Họ đã chọn lẽ sống hiến dâng, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, tấm gương cao đẹp ấy khiến các lớp cháu con hôm nay và mãi mãi muôn đời sau ghi nhớ.../.

Hồng Hạnh

Xem thêm