
Trên số báo in ra ngày 16/5/2025 có một số thông tin như sau:
>> Ổn định tư tưởng cán bộ, công chức trước sáp nhập (Xem trang 1, 2)
Chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và không tổ chức cấp huyện là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động, phù hợp với yêu cầu phát triển mới. Quá trình chuẩn bị, bên cạnh tổ chức và cơ sở vật chất, điều then chốt là giữ vững ổn định tư tưởng trong đội ngũ cán bộ, công chức.

Tại cấp xã, tâm lý lo lắng cũng xuất hiện, nhất là với các xã có thay đổi về địa giới hành chính. Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền và tư tưởng, sự đồng thuận đang được củng cố. Theo kế hoạch, các xã Cao Sơn, Vũ Muộn, Sỹ Bình (Bạch Thông) sẽ sáp nhập thành một xã mới. Ngay từ khi có chủ trương của cấp trên, lãnh đạo ba xã đã làm công tác tư tưởng với cán bộ, công chức, Nhân dân trên địa bàn. Theo đó, trong các cuộc họp, hội nghị tại xã và các thôn, tinh thần, chủ trương của Đảng về thực hiện cách mạng tinh gọn bộ máy được thông tin sâu rộng, thường xuyên nhằm tạo sự đồng thuận.
>> Hiểm họa tiềm ẩn từ dùng điện thoại khi lái xe (Xem trang 2)
Dù Luật Giao thông đường bộ đã nghiêm cấm hành vi sử dụng điện thoại khi đang điều khiển phương tiện, song thực tế cho thấy nhiều người vẫn phớt lờ quy định, coi việc cầm điện thoại khi lái xe là một thói quen khó từ bỏ. Đây là hành vi nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông bất cứ lúc nào.
>> Lực lượng vũ trang Bắc Kạn học và làm theo Bác (Xem trang 3)
Giai đoạn 2016–2025, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh đã triển khai sâu rộng, hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhờ những hành động cụ thể, thiết thực, tinh thần của Bác đã thấm sâu vào mỗi cán bộ, chiến sĩ, góp phần xây dựng lực lượng vững mạnh, chính quy, từng bước hiện đại.

>> Hồ Nặm Cắt hướng tới trở thành khu du lịch cấp tỉnh (Xem trang 4)
Trong định hướng phát triển mới của tỉnh, hồ Nặm Cắt (TP. Bắc Kạn)- một hồ chứa nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, đang được quy hoạch trở thành khu du lịch cấp tỉnh, kỳ vọng tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế, du lịch cho địa phương.

Với cảnh quan nguyên sơ, khí hậu mát mẻ quanh năm, hồ Nặm Cắt có tiềm năng lớn để phát triển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, chữa lành, cắm trại và thể thao nước. Diện tích lập quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch sinh thái khoảng 1.675ha. Việc quy hoạch còn chú trọng bảo vệ rừng đầu nguồn, phát triển kinh tế dưới tán rừng và chuỗi sản phẩm nông - lâm đặc hữu, hướng tới mô hình kinh tế xanh. Tỉnh kỳ vọng thu hút nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực du lịch sinh thái, với nhiều hỗ trợ về thủ tục, đất đai và chính sách ưu đãi theo quy định.
>> Tháo gỡ khó khăn Dự án CCN Vằng Mười (Xem trang 4, 5)
Cụm Công nghiệp (CCN) Vằng Mười tại xã Trần Phú (Na Rì) được triển khai từ năm 2022 và dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Đây là một trong những CCN trọng điểm của tỉnh, định hướng thu hút doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông, lâm sản, dược liệu và công nghiệp nhẹ. Tuy nhiên, quá trình triển khai đang gặp phải những vướng mắc, đặc biệt trong giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư, cần được tháo gỡ kịp thời để bảo đảm tiến độ.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh (chủ đầu tư), Dự án hạ tầng kỹ thuật CCN Vằng Mười gồm ba gói thầu chính là gói số 14, 15 và 20. Trong đó, gói thầu số 14 về san nền đã đạt hơn 90% khối lượng, tương đương khoảng 11ha đã được san lấp. Tuy nhiên, phần còn lại chưa thể thi công do vướng mắc về mặt bằng và chưa xác định được vị trí khai thác đất đắp. Gói thầu số 15 xây dựng hệ thống thoát nước và đường giao thông ngoại tuyến hiện mới đạt khoảng 27% do vẫn còn diện tích đất chưa được giải phóng. Gói thầu số 20 về đường nội bộ và hạ tầng kỹ thuật mới được khởi công vào cuối tháng 4/2025.
Ông Đinh Huy Hoàng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Bắc Kạn thông tin: Tổng diện tích đất cần thu hồi cho dự án là 15,07ha, trong đó đến nay đã giải phóng được 12,9ha (đạt 85,6%). Phần diện tích còn lại, khoảng 2,1ha của 08 hộ dân, hiện vẫn chưa thể bàn giao do người dân chưa đồng thuận với phương án đền bù và tái định cư. Cụ thể, ba hộ dân gồm ông Vũ Trung Quang, ông Hà Văn Tâm và ông Triệu Văn Hệ có nguyện vọng được cấp đất tái định cư thay vì nhận tiền hỗ trợ như ban đầu. Trong khi đó, khi lập dự án, phương án tái định cư bằng đất không được xây dựng vì theo khảo sát ban đầu, người dân không có nhu cầu. Việc thay đổi này khiến việc bố trí quỹ đất và lập phương án tái định cư bị chậm trễ.
>> Khắc phục sai phạm sau thanh tra tại xã Hòa Mục (Xem trang 6)
Năm 2024, Đoàn Thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) đã tiến hành thanh tra việc thực hiện Dự án Trồng rừng, khoanh nuôi bảo vệ rừng tại xã Hòa Mục, huyện Chợ Mới, do Công ty TNHH Phúc Lộc làm chủ đầu tư. Qua kết luận thanh tra, nhiều vi phạm đã được chỉ ra, buộc đơn vị phải khẩn trương khắc phục.

Ông Lộc Văn Bắc, Phó Giám đốc Công ty TNHH Phúc Lộc cho biết: Sau khi tiếp nhận Kết luận thanh tra số 01/KL-TTr ngày 17/9/2024, Công ty đã triển khai nhiều giải pháp nhằm khắc phục các vi phạm, đồng thời đẩy mạnh tiến độ thực hiện dự án. Về mặt pháp lý, Công ty đã hoàn tất việc khôi phục, cắm lại mốc giới theo đúng quy định, dựa trên biên bản bàn giao năm 2017 và bản đồ trích đo địa chính được cơ quan chức năng xác nhận. Quá trình xác lập mốc giới được thực hiện minh bạch, có sự tham gia của người dân địa phương giáp ranh và chính quyền xã Hòa Mục.
Tính đến nay, Công ty đã trồng được khoảng 50ha rừng trên diện tích đất trống, phù hợp với kế hoạch sử dụng đất và mục tiêu dự án. Đối với phần diện tích là rừng tự nhiên nghèo kiệt, Công ty đã hợp tác với Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp (thuộc Đại học Nông Lâm Thái Nguyên) để điều tra, đánh giá chất lượng rừng. Trên cơ sở kết quả đánh giá, đơn vị đã và đang áp dụng các biện pháp lâm sinh phù hợp, trong đó ưu tiên khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, bảo vệ các loài cây bản địa và hạn chế tác động tiêu cực đến hệ sinh thái...
>> Khát vọng làm giàu của phụ nữ Bắc Kạn (Xem trang 7)
Từ những người gắn bó với nương rẫy, nhiều phụ nữ vùng cao Bắc Kạn đã mạnh dạn khởi nghiệp, làm chủ các hợp tác xã (HTX), từng bước đưa nông sản địa phương ra thị trường. Âm thầm nhưng bền bỉ, họ đang hiện thực hóa khát vọng tự chủ, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

>> Hiệu quả từ điểm trưng bày sản phẩm OCOP (Xem trang 8)
Phát triển hệ thống cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP (Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”) tại tỉnh đóng vai trò quan trọng trong việc nâng tầm giá trị sản phẩm và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Các cửa hàng OCOP không chỉ là nơi quảng bá, tiêu thụ sản phẩm mà còn là cầu nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, góp phần xây dựng thương hiệu cho nông sản Bắc Kạn.

Cùng với việc đa dạng sản phẩm, các cửa hàng OCOP đã chủ động ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh. Từ khâu xây dựng hình ảnh, phát triển thương hiệu đến tiếp thị, bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử, tất cả đều hướng đến chuyên nghiệp hóa và mở rộng thị trường tiêu thụ. Không gian trưng bày được thiết kế mang đậm bản sắc văn hóa Bắc Kạn, trang bị hiện đại, có thông tin truy xuất nguồn gốc, mã vạch sản phẩm rõ ràng. Khách hàng có thể mua hàng trực tiếp hoặc đặt qua các nền tảng trực tuyến như Shopee, Sendo, Lazada, backanmarket.vn, sanviet...
... Thông tin chi tiết, mời độc giả đọc trên số báo ngày 16/5/2025 tại đây./.