
Trên số báo in Bắc Kạn cuối tuần ra ngày 24/5/2025 có một số thông tin như sau:
>> Tình người sau mưa lũ (Xem trang 1, 4)
Giữa tháng 5, những cơn mưa lớn kèm theo dông lốc bất ngờ quét qua nhiều huyện của Bắc Kạn như: Ba Bể, Chợ Đồn, Bạch Thông, gây thiệt hại nặng nề. Nhiều ngôi nhà bị tốc mái, đường sá sạt lở, hoa màu chìm trong bùn đất. Trong cảnh hoang tàn đó, tình người lại như những ngọn lửa nhỏ ấm áp, lan tỏa, xoa dịu nỗi đau và thắp sáng niềm tin trong lòng người dân.

Gần 20 bạn trẻ huyện Ba Bể đã đứng ra kêu gọi và phối hợp với các nhà hàng tổ chức nấu cơm miễn phí, đưa tận tay những suất ăn nóng hổi đến bà con vùng lũ...
Chỉ trong hai ngày 20-21/5, nhóm của chị Thương Thương phối hợp với Nhà hàng Thảo Huyền, Quán cơm Phương Nam đã chuẩn bị và phát hơn 1.600 suất cơm đến tận tay người dân cùng lực lượng hỗ trợ tại xã Đồng Phúc và Yến Dương.
Không chỉ người dân trong tỉnh, nhiều tấm lòng từ xa cũng hướng về bà con vùng lũ. Anh Nguyễn Việt Anh, ở Hà Nội đã kêu gọi và vận động mạnh thường quân ủng hộ nhu yếu phẩm như nước lọc, đèn pin, thực phẩm thiết yếu gửi đến người dân.
Chính tình người, từ những trái tim chân thành nhất, đang thắp lên ngọn lửa hy vọng, sưởi ấm những mái nhà từng tan hoang bởi mưa lũ.
>> Nghị quyết 68 trao cơ hội và động lực mới cho doanh nghiệp (Xem trang 2)
Trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều biến động và thách thức, Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân được xem như “phao cứu sinh” cho hàng triệu doanh nghiệp trên cả nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ở các tỉnh miền núi như Bắc Kạn.

Ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Bắc Kạn cho biết: “Nghị quyết 68 đã chỉ rõ hướng đi, nhưng để thành công, Bắc Kạn cần nhanh chóng xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, thành lập các bộ phận ‘đồng hành cùng doanh nghiệp’ ngay tại cơ sở. Tỉnh cũng cần phát triển các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp nông thôn, kết nối tiêu thụ sản phẩm qua sàn thương mại điện tử hoặc chuỗi phân phối trong nước. Các mô hình hợp tác công – tư trong xúc tiến thương mại, đào tạo nghề, chia sẻ hạ tầng cần được ưu tiên”.
Một điểm quan trọng là khơi dậy tinh thần khởi nghiệp và làm giàu chính đáng trong Nhân dân. Phong trào “Toàn dân thi đua làm giàu” do Thủ tướng phát động có thể là nguồn động lực lớn cho Bắc Kạn – nơi còn nhiều tiềm năng phát triển kinh tế hộ và doanh nghiệp gia đình.
“Doanh nghiệp Bắc Kạn đang rất cần một ‘luồng gió mới’ không chỉ về chính sách mà cả về cách thức tổ chức thực thi. Từ tỉnh đến huyện, xã phải có cam kết mạnh mẽ trong cải cách hành chính, phục vụ doanh nghiệp và đổi mới tư duy hỗ trợ khởi nghiệp. Chúng tôi mong muốn Nghị quyết 68 không chỉ là khẩu hiệu mà trở thành chương trình hành động thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp”- ông Nguyễn Văn Nam chia sẻ thêm.
>> Chuyển đổi số để gần dân hơn (Xem trang 2)
Trong bối cảnh cả nước đẩy mạnh thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh, một câu hỏi đặt ra là làm thế nào để bộ máy chính quyền các cấp, nhất là ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vẫn bảo đảm “gần dân, sát dân, vì dân”?
>> Chợ Đồn xóa nhà tạm để người dân an cư (Xem trang 3)
Thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về xóa nhà tạm, nhà dột nát, huyện Chợ Đồn đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm bảo đảm người dân, đặc biệt là hộ nghèo, người có công và đồng bào vùng khó khăn, có nơi ở ổn định, an toàn.

>> Giữ nghề làm đũa truyền thống của người Tày (Xem trang 5)
Ông Đinh Duy Hà, thôn Kim Vân, xã Kim Hỷ, huyện Na Rì, là một trong số ít người vẫn bền bỉ giữ gìn nghề làm đũa truyền thống của đồng bào dân tộc Tày. Nghề này không chỉ giúp gia đình ông có nguồn thu nhập mà còn góp phần bảo tồn nét văn hóa đặc sắc, độc đáo của địa phương.

Một bước rất quan trọng là nhuộm màu đũa. Người Tày truyền thống sử dụng các nguyên liệu tự nhiên như nghệ vàng và lá cẩm đỏ. Nghệ và lá cẩm được giã nhuyễn, vắt lấy nước đặc quánh, rồi ngâm đũa qua đêm trong dung dịch đó. Sau đó, đũa lại được phơi nắng đến khi khô và lặp lại công đoạn nhuộm khoảng ba lần để màu bám chắc, vừa đẹp vừa bền, chống được mối mọt. Đũa sau khi hoàn thiện được gói kỹ bằng giấy hoặc lá dong khô, bảo quản nơi thoáng mát để dùng dần...
Đôi đũa không đơn thuần là vật dụng sinh hoạt hằng ngày mà còn mang đậm giá trị văn hóa của người Tày. Ông Hà chia sẻ: Đũa có đôi có cặp, tượng trưng cho sự gắn bó, no đủ trong gia đình. Trong truyền thống người Tày, bố mẹ hai bên thường tặng bó đũa màu đỏ cho các đôi vợ chồng mới cưới, như lời chúc phúc về sự thủy chung, sung túc. Vì vậy, trong câu ca dao người Tày có câu: “Chén cơm đôi đũa nằm ngang/Thiếp thấy mặt chàng, đói cũng như no”.
>> Nữ cựu thanh niên xung phong nêu gương sáng (Xem trang 5)
Từng tham gia vào lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khi trở về cuộc sống đời thường, cựu TNXP Bùi Thị Loan, xã Bằng Lãng (Chợ Đồn) đã tích cực phát triển kinh tế, tham gia công tác xã hội, giúp đỡ mọi người, trở thành tấm gương sáng trong các phong trào thi đua yêu nước.
>> Sức mạnh từ CLB liên thế hệ tự giúp nhau (Xem trang 6)
Mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau (CLB LTHTGN) với các hoạt động thiết thực, phù hợp nhiều đối tượng, lứa tuổi đã góp phần tăng cường sự gắn kết giữa các thế hệ, phát huy vai trò người cao tuổi trong phát triển cộng đồng bền vững.

>> Trang thơ, tản văn (Xem trang 7)
Trong thế giới của mây
Một hôm, gia đình tôi đi dã ngoại. Đó là một khu đất rộng, bên cạnh có hồ nước lớn, xa xa là ngọn núi Ba Vì phủ đầy mây trắng. Trước khi đến khu đất cắm trại, gia đình chúng tôi đã cùng nhau leo lên đỉnh Ba Vì để ngắm mây. Nhìn từ xa mây rất đẹp, nhiều hình dáng. Nhưng khi đến gần, tôi thấy mây thì chỉ như sương, như khói bay qua, bay lại. Có lần tôi và Nai đi qua cầu Long Biên, lúc nhìn thấy một đám mây nhỏ đang bay trên bầu trời, em quả quyết với tôi là đám mây đó có hình con chuột, còn tôi lại thấy nó có hình con thỏ. Tôi bảo: “Con thỏ mới màu trắng, còn chuột sẽ không có bộ lông màu trắng như vậy. Hai chị em tôi đã tranh luận rất gay gắt. Bố tôi lại bảo: “Đám mây đó có hình con voi”. Không ai chịu ai, cuối cùng, mẹ tôi kết luận: “Bố tập trung lái xe, em Nai và Kẹo thấy đám mây hình con gì thì nó có hình con ấy... Đúng là thầy bói xem voi mà”. Em Nai không hiểu “Thầy bói xem voi” là gì nên tỏ rõ sự thất vọng, như thể mọi người đang cố tình bắt nạt em vậy.
Gọi gió
Nắng hè oi ả
Sém lá sém cây
Trời chẳng bóng mây
Nóng sao nóng quá.

Mẹ đang cắt lúa
Áo đẫm mồ hôi
Gió à gió ơi
Ở đâu về giúp.
...
Nấm đi
Trời mưa, trời mưa
Mẹ ngồi kể chuyện
Các chú hành quân
Xuyên qua rừng rậm

Đầy túi ba lô
Nấm tràm tim tím
Nấm trang hồng hồng
Nấm sương lấm tấm
...
Bồ câu Việt Bắc
Việt Bắc nơi Bác ở
Bồ câu thường tới thăm
Chim đỗ bên cửa sổ
Nó quen được mời ăn
Bác nhìn theo mây trắng
Chim dõi chiếc lá bay
Cách nào cho chiến thắng
Người nhìn hai bàn tay
...
Mưa ơi

Mưa từ đâu đến
Rồi mưa đi đâu
Nói gì với đất
Giục lá xanh màu?
Giục hoa nở thắm
Giục quả chín mau
Mưa hát vui thế
Sao không ở lâu?
...
>> Chắc tay súng nơi đầu sóng Trường Sa
Giữa trùng khơi bao la, nơi những cơn sóng ngày đêm vỗ về mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc – quần đảo Trường Sa, những người lính hải quân vẫn âm thầm canh giữ từng tấc biển, từng khoảng trời quê hương. Trong gian khổ và thử thách, họ vẫn hiên ngang “chắc tay súng, vững niềm tin”, dựng nên thế trận lòng dân nơi biển đảo tiền tiêu.

... Thông tin chi tiết, mời độc giả đọc trên số báo Bắc Kạn cuối tuần ngày 24/5/2025 tại đây.