Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cơ sở hạ tầng của huyện Chợ Đồn đã được đầu tư xây dựng, đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, do đặc thù huyện miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 80%, đời sống của người dân trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn; bất bình đẳng giới vẫn xảy ra trong nhiều thôn, bản, gia đình; bạo lực gia đình, tệ nạn ma túy, các vụ, việc xâm hại, bạo lực với phụ nữ và trẻ em (PN&TE) ngày càng tinh vi, phức tạp, nghiêm trọng... Những vấn đề đó đã và đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống và sự phát triển toàn diện của PN&TE.
Trước thực trạng này, cùng với nhiều chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh, huyện Chợ Đồn đã đưa ra nhiều giải pháp phù hợp nhằm giúp PN&TE tại các vùng khó khăn nâng cao chất lượng cuộc sống như: Tăng cường tuyên truyền giúp người dân nhận thức về vị trí, vai trò của phụ nữ trong gia đình, xã hội; tạo điều kiện học hành, tập huấn nâng cao kiến thức; hỗ trợ mô hình sinh kế... Đặc biệt từ khi Dự án 8 được triển khai với mục tiêu “Nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi”, đã tạo thêm cơ hội để phụ nữ, trẻ em vùng DTTS được chăm lo tốt hơn về đời sống vật chất, tinh thần.
Với vai trò là đơn vị chủ trì thực hiện dự án trên địa bàn, Hội LHPN huyện Chợ Đồn đã tập trung triển khai thực hiện các nội dung trọng tâm của Dự án. Đến nay, tại các xã thực hiện Dự án 8 của huyện đã thành lập và vận hành hiệu quả các mô hình, hoạt động cốt lõi với 59 tổ truyền thông cộng đồng, 06 địa chỉ tin cậy cộng đồng, 09 câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại trường học; tổ chức 27 cuộc đối thoại chính sách giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã và cán bộ, hội viên phụ nữ cấp xã và cụm thôn bản.
Tổ chức 08 chiến dịch truyền thông xóa bỏ định kiến giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em; 07 lớp tập huấn trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới, nâng cao năng lực cho các thành viên tham gia tổ truyền thông cộng đồng, mô hình địa chỉ tin cậy, CLB thủ lĩnh của sự thay đổi…; 17 Hội thi, giao lưu về: Tìm hiểu kiến thức Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Tìm hiểu kiến thức Luật Bình đẳng giới; Ngày hội Gia đình Việt Nam (28/6); giao lưu các tổ truyền thông cộng đồng…
Tổ chức 170 hội nghị giáo dục truyền thông tại các thôn đặc biệt khó khăn về các chủ đề: Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, phòng ngừa lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, phòng chống ma túy, phòng chống xâm hại trẻ em,… Các mô hình, hoạt động của của Dự án 8 được người dân đón nhận, ủng hộ và được các cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao; qua đó, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ và các tầng lớp nhân dân về bình đẳng giới, dần thay đổi định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, từng bước tạo chuyển biến tích cực về nhận thức của toàn xã hội, huy động sự tham gia vào cuộc của các cấp, ngành và người dân trong giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với PN&TE.
Thời gian tới, huyện Chợ Đồn tiếp tục tăng cường công tác vận động, lồng ghép các nguồn lực trong thực hiện Dự án 8, nhất là lồng ghép việc thực hiện các chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và các chương trình, dự án, chính sách phát triển KT-XH khác. Thúc đẩy sự quan tâm của các cấp, ngành đối với vấn đề bình đẳng giới, quan tâm giải quyết những vấn đề cấp thiết của PN&TE, đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của PN&TE trong các hoạt động phát triển KT-XH tại địa phương./.