Điểm chuẩn năm 2006 của các ngành này chỉ bằng điểm sàn hoặc cao hơn không nhiều khi nhân hệ số.
Từ năm học 2006 - 2007, ĐH Hà Nội (trước đây là ĐH Ngoại ngữ Hà Nội) đã bắt đầu thực hiện việc học cùng lúc 2 chương trình. Theo đó sinh viên có nhu cầu đăng ký học thêm một chương trình thứ hai tại trường sau khi tốt nghiệp sẽ được cấp 2 văn bằng.
Sinh viên ngành ngoại ngữ có thể đăng ký thêm học thêm một chuyên ngành ngữ khác hoặc có thể đăng ký học lấy thêm bằng đại học những chuyên ngành đang được tào tạo tại trường gồm: Quản trị kinh doanh, Du lịch, Quốc tế học, Tài chính - Ngân hàng, Kế toán, Khoa học máy tính.
Theo quy định, sinh viên ĐH Hà Nội không thuộc diện tạm ngừng học và có điểm trung bình chung học tập cả năm từ 7,00 trở lên sẽ được đăng ký học cùng lúc 2 chương trình.
Theo quy định của trường ĐH Hà Nội, sinh viên các ngành ngoại ngữ nếu đăng ký ngành học thứ hai là một ngoại ngữ khác được miễn học tất cả các môn cơ sở dạy bằng tiếng Việt đã học ở chuyên ngành thứ nhất.
Sinh viên các ngành ngoại ngữ nếu đăng ký ngành học thứ hai là các chuyên ngành kinh tế, xã hội, công nghệ được miễn học tất cả các môn thuộc khối giáo dục đại cương và chỉ cần học các môn chuyên ngành.
Sinh viên các chuyên ngành kinh tế, xã hội, công nghệ đăng ký thêm ngành tiếng Anh chỉ cần học các môn chuyên ngành tiếng Anh (như Dịch, Văn học, Lý thuyết tiếng ).
Một số trường ĐH khu vực phía Nam cũng đang thực hiện chương trình đào tạo 2 trong 1. Sinh viên tốt nghiệp sẽ được cấp hai bằng cử nhân. Chẳng hạn ngành song ngữ Nga - Anh tại trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TPHCM) và ĐH Sư phạm TPHCM; ngành song ngữ Trung - Anh tại ĐH Bán công Tôn Đức Thắng.
So với chương trình đào tạo cử nhân một chuyên ngữ, thời gian học của sinh viên song ngữ có dài hơn (từ 4,5 đến 5 năm, tùy trường). Khi tốt nghiệp sinh viên sẽ được cấp bằng cử nhân ĐH tiếng Nga và cử nhân CĐ tiếng Anh (với ngành Nga - Anh) và cử nhân ĐH tiếng Trung và cử nhân CĐ tiếng Anh (với ngành Trung - Anh).
Năm 2006, điểm chuẩn của các ngành song ngữ này tương đối thấp so với mặt bằng điểm chuẩn các ngành tuyển khối D nói chung và các ngành cùng trường nói riêng.
Ngành song ngữ Nga - Anh của ĐH Sư phạm TPHCM tuyển sinh khối D1 (Toán - Văn - Anh), D2 ( Toán- Văn - Nga) có điểm chuẩn là 19 (môn ngoại ngữ hệ số 2).
Tại trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TPHCM), khối D1 có điểm chuẩn là 12 và D2 là 16. Trong khi đó điểm chuẩn ngành Trung - Anh tại trường ĐH bán công Tôn Đức Thắng cũng chỉ có điểm chuẩn cả hai khối D1 và D4 (Toán - Văn - tiếng Trung) là 15 điểm (môn ngoại ngữ hệ số 2).
Với 2 bằng cử nhân, sinh viên tốt nghiệp ngành Nga-Anh có nhiều lợi thế hơn so với nghiên cứu 1 ngoại ngữ. Họ có thể phiên dịch, giảng dạy đồng thời hai ngoại ngữ, nghiên cứu khoa học ngữ văn đối chiếu.
Cử nhân song ngữ Nga - Anh ngoài việc tiếp tục học tập ở bậc sau đại học chuyên ngành ngôn ngữ Nga-Slavơ còn có thể tiếp tục hoàn thiện chương trình ĐH Anh văn.
Trong khi đó, ngành cử nhân Trung - Anh của ĐH bán công Tôn Đức Thắng tập trung vào 4 chuyên ngành: thương mại, sư phạm, biên - phiên dịch, du lịch với thời gian đào tạo trong 4,5 năm.