Nuôi cá Diêu hồng trong lồng bè ở Quảng Chu

Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Kạn triển khai mô hình "nuôi cá Diêu hồng trong lồng bè" tại xã Quảng Chu (Chợ Mới) nhằm giúp các hộ dân tận dụng tiềm năng mặt nước hồ chứa, phát triển nuôi thủy sản cho năng suất cao. Sau 7 tháng triển khai đến nay mô hình đã bước đầu đem lại hiệu quả.

Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Kạn triển khai mô hình "nuôi cá Diêu hồng trong lồng bè" tại xã Quảng Chu (Chợ Mới) nhằm giúp các hộ dân tận dụng tiềm năng mặt nước hồ chứa, phát triển nuôi thủy sản cho năng suất cao. Sau 7 tháng triển khai đến nay mô hình đã bước đầu đem lại hiệu quả.

Mô hình nuôi cá Diêu hồng trong lồng bè ở xã Quảng Chu.
Mô hình nuôi cá Diêu hồng trong lồng bè ở xã Quảng Chu.

Xã Quảng Chu có tổng diện tích ao hồ là 23ha, nhiều năm nay người dân chủ yếu nuôi cá truyền thống như cá trắm, cá trôi, cá mè, cá chép và rô phi đơn tính. Qua tìm hiểu thực tế cho thấy khu vực lòng hồ Bản Đén có diện tích khoảng 2ha thuận lợi cho nuôi cá lồng. Với mục tiêu đa dạng con giống có chất lượng cao cho các nông hộ, tạo ra sản phẩm hàng hóa phong phú cho thị trường, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với xã Quảng Chu triển khai thí điểm mô hình "nuôi cá Diêu hồng trong lồng bè" trên lòng hồ Bản Đén. Cá Diêu hồng là loài cá dễ nuôi, nhanh lớn, chất lượng thịt ngon, thớ thịt chắc, không quá nhiều xương, được người tiêu dùng ưa chuộng, hiệu quả kinh tế cao hơn so với những loại cá khác.

Theo đó, trung tâm đã phối hợp lựa chọn hộ gia đình tham gia, hỗ trợ 100% cá giống, 50% thức ăn, chế phẩm sinh học và tập huấn khoa học kỹ thuật. Đồng thời phân công cán bộ chỉ đạo mô hình, hướng dẫn các hộ từ khâu thả giống, làm lồng bè, chăm sóc, quản lý hồ nuôi và theo dõi các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật của mô hình. Mô hình được triển khai trên quy mô 150m3 nước, với sự tham gia của 02 hộ gia đình.

Hiện hơn 15.000 con cá Diêu hồng được nuôi trong 6 lồng bè đang sinh trưởng tốt. Qua đánh giá của cơ quan chuyên môn cho thấy, cá Diêu hồng phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu của lòng hồ, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật đều đạt kết quả, trọng lượng cá 0,6- 0,9kg/con, sản lượng thu được ước tính đạt hơn 6 tấn, năng suất ước đạt 42kg/m3, tỷ lệ sống đạt trên 70%. Trừ chi phí đầu tư, người nuôi thu lãi hơn 36 triệu đồng/150m3.

Là hộ được lựa chọn để thực hiện mô hình, ông Ma Văn Tâm, thôn Bản Đén 2 chia sẻ: Khi thực hiện dự án gia đình tôi được hỗ trợ cá giống, thức ăn và được hướng dẫn kỹ thuật làm lồng bè, kỹ thuật nuôi cá nên cũng khá thuận lợi. Cá Diêu hồng là loại cá mới đối với nhiều người dân trong xã. Tuy nhiên, với đặc tính gần giống cá rô phi nên dễ chăm sóc, khả năng sinh trưởng nhanh, ít bệnh tật, chất lượng cá tốt nên giá bán cao hơn cá rô phi đơn tính. Hiện nay cá đã đến giai đoạn xuất bán với giá từ 40 - 50.000đ/kg.

Cá Diêu hồng là loài dễ nuôi, chất lượng cá tốt, ít dịch bệnh, thời gian sinh trưởng ngắn, hiệu quả kinh tế cao vì vậy nếu đầu tư thức ăn, quản lý môi trường nước tốt thì hoàn toàn có thể nhân rộng, góp phần chuyển dịch cơ cấu trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã, giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân. Tuy nhiên do cá Diêu hồng là loại cá mới ở địa phương nên người dân chưa có nhiều kinh nghiệm nên còn lúng túng trong thực hiện các khâu xử lý kỹ thuật, đặc biệt là phòng và trị bệnh cho cá nuôi. Theo các hộ thực hiện dự án, loại cá này rất phàm ăn nên cần có nguồn lực chi phí cho thức ăn, vì vậy thị trường tiêu thụ đang là vấn đề mà người dân rất quan tâm.

Để mô hình nuôi cá Diêu hồng trong lồng bè được nhân rộng cần tiếp tục có sự hỗ trợ của Trung tâm khuyến nông tỉnh và chính quyền địa phương trong việc tìm thị trường tiêu thụ cho loại cá này. Từ đó giúp người dân từng bước thay đổi tập quán nuôi quảng canh sang nuôi thâm canh, tận dụng được tiềm năng mặt nước hồ chứa của địa phương, tăng thu nhập, cải thiện đời sống./.

Hà Thanh

Xem thêm