Buổi sáng đầu đông, khi sương mù còn giăng mắc trên những ngọn cây. Vượt qua những cung đèo quanh co, chúng tôi đến đỉnh "đèo Yêu", địa danh quen thuộc với những người dân huyện Pác Nặm. Nghe đâu đó những tiếng nói cười râm ran, những câu chuyện về nghệ “hôm qua giá nghệ được bao nhiêu?”, “Nhà bà thu được bao nhiêu kg, nhà còn nhiều nghệ không”, “nghe nói giá vẫn còn lên đấy”… Lại một “mùa vàng” nữa đến với bà con vùng cao, ai đó vẫn thường đùa nhau rằng mùa này lên núi để “đào vàng”.
Nghệ nếp đỏ - nguyên liệu chính để sản xuất tinh bột nghệ. Ảnh: Triệu Hiển
Những năm gần đây, nghệ đã trở thành hàng hóa và đem lại thu nhập cho bà con vùng cao. Bà Quan Thị Giang, trú tại thôn Thôm Mèo, xã Xuân La cho biết: Trước đây, gia đình bà chỉ trồng nghệ vào những diện tích dùng để trồng sắn, ngô. Nhưng giờ bà thực hiện trồng xen canh, trồng dưới tán rừng quế, mỡ, mận cho hiệu quả kinh tế cao. Chất lượng đất được cải thiện rõ rệt, gia đình có thêm nguồn thu nhập từ nhiều loại cây trồng. Theo Bà Giang, trồng cây nghệ tốn ít công chăm sóc, kỹ thuật lại đơn giản và năng suất cao hơn các loại cây trồng khác.
Ông Ma Văn Quang, người dân thôn Thôm Mèo, xã Xuân La cho hay: “Cách đây 5 năm nghệ mất giá, có 500 đồng/kg nên chẳng ai còn mặn mà với nó. Thế nhưng 2 năm nay nghệ lại được nhiều đơn vị đến hỏi mua, giá cao nên ai cũng phấn khởi. Gần như cả tháng nay cả nhà tôi đều ở trên nương nghệ, chồng đào vợ nhặt, chiều về là đem xuống cân cho thương lái với giá từ 4.000 - 5.000 đồng/kg. Nhà tôi năm nay chắc thu được khoảng 4 tấn nghệ”, ông Quang phấn khởi nói.
Được biết HTX Tân Thành đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nghệ cho bà con nông dân. Nhờ đó bà con yên tâm sản xuất, không còn nỗi lo được mùa mất giá. Đặc biệt hơn 10ha nghệ tại thôn Thôm Mèo, xã Xuân đã được cấp chứng nhận là vùng trồng nghệ hữu cơ, nguyên liệu để đơn vị chế biến ra các sản phẩm như: Tinh bột nghệ nếp (đen, đỏ, trắng- nghệ rừng); viên tinh nghệ mật ong (đen, đỏ, trắng); viên con nhộng nghệ (đen, đỏ, trắng); bột nghệ, nghệ thái lát, nghệ sấy củ (đen, đỏ, trắng)… Trong đó sản phẩm tinh bột nghệ nếp đỏ Bắc Kạn cao cấp, tinh bột nghệ nếp đen Bắc Kạn cao cấp đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh.
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Pác Nặm, năm 2024 toàn huyện có 67,28ha nghệ, trồng tập trung ở các xã Xuân La, Cao Tân, Cổ Linh, Nghiên Loan. Cùng với một số cây trồng khác, nghệ đang dần trở thành một cây trồng chính đem lại thu nhập khá cho bà con nhân dân.
Nghệ không chỉ là cây trồng giúp xóa đói giảm nghèo mà còn góp phần giúp Pác Nặm chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng tích cực. Sản phẩm từ cây nghệ giúp đời sống nông hộ ổn định thông qua sản xuất, chế biến và buôn bán. Nghệ Pác Nặm đang dần khẳng định vị thế trên thị trường, góp phần cải thiện sinh kế và đời sống của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao./.