
Việc tổ chức lấy kiến ý kiến Nhân dân về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đang được các cấp, ngành, chính quyền địa phương tổ chức triển khai khẩn trương bằng nhiều hình thức. Đặc biệt, các cá nhân có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội, Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, gửi ý kiến bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn, hoặc sử dụng ứng dụng VNeID (định danh điện tử mức độ 2).
Bà Dương Thị Xuân, Bí thư Chi bộ tổ dân phố 9A (thành phố Bắc Kạn) cho biết: Chúng tôi đã triển khai đến 162 hộ trong tổ về việc lấy ý kiến Nhân dân về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 thông qua ứng dụng định danh điện tử mức độ 2. Đa số người dân trong tổ đều đã thực hiện định danh VNeID mức độ 2, trình độ dân trí cũng ở mức khá nên cơ bản có nhiều thuận lợi khi thực hiện.
Còn ở tổ 5 phường Phùng Chí Kiên, thông qua nhóm Zalo, tổ trưởng tổ dân phố đã phổ biến kế hoạch và văn bản chỉ đạo của cấp trên, nhất là gửi video, infographic hướng dẫn để công dân trong tổ biết và thao tác thuận tiện trên VNeID.
Anh Nguyễn Văn Tuấn ở tổ 11C, phường Đức Xuân chia sẻ: Lấy ý kiến Nhân dân trên ứng dụng VNeID là rất phù hợp với thực tiễn, bởi hầu hết người dân đều sử dụng điện thoại thông minh và được định danh điện tử mức độ 2. Việc sửa đổi Hiến pháp lần này rất quan trọng bởi Hiến pháp là Luật gốc, nhất là trong bối cảnh nước ta đang thực hiện xây dựng chính quyền địa phương hai cấp.
Chỉ với vài thao tác đăng nhập, người dân có thể đọc toàn văn dự thảo, lựa chọn các điều khoản quan tâm và gửi ý kiến góp ý trực tiếp. Hệ thống VNeID đảm bảo ghi nhận đầy đủ, bảo mật danh tính, thuận tiện cho người dân nêu lên tiếng nói của mình trong việc đóng góp xây dựng Hiến pháp. Qua đó giúp tạo điều kiện thuận lợi, đa dạng và dễ tiếp cận cho người dân trên toàn tỉnh, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa... trong việc nêu ý kiến, góp phần phản ánh trung thực nguyện vọng, mong muốn và sáng kiến của Nhân dân đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp.
Trước đó, ngày 11/4/2025, Bộ Công an đã có Công văn số 1364/BCA-C06 về việc tham gia ý kiến giải pháp tiếp nhận góp ý của Nhân dân về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ về tiện ích sử dụng VNeID.
Để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân được tham gia góp ý vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Bộ Công an đã thiết lập và quản lý hệ thống tiện ích Lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trên ứng dụng VNeID từ ngày 06/5 đến hết ngày 29/5/2025.

Theo Bộ Công an, khi sử dụng ứng dụng VNeID, mọi tầng lớp nhân dân được tham gia đóng góp ý kiến, xây dựng văn bản pháp luật của Nhà nước; nhanh chóng tiếp cận chủ trương, đường lối, quyết sách lớn của Đảng.
Đối với cơ quan Nhà nước, bảo đảm công khai, minh bạch trong việc tham gia xây dựng các văn bản pháp luật của Nhà nước. Hỗ trợ các cơ quan quản lý rút ngắn thời gian lấy ý kiến của Nhân dân và tổng hợp ý kiến. Cung cấp dữ liệu cho lãnh đạo, các cơ quan chuyên môn thêm một kênh nắm bắt dư luận hiệu quả, phục vụ công tác điều hành, chỉ đạo, triển khai nghị quyết, chủ trương lớn của Đảng.
Việc sử dụng VNeID là bước đột phá trong cải cách hành chính và dân chủ hóa đời sống chính trị, tạo thuận lợi cho người dân nói lên tiếng nói của mình trong xây dựng nền tảng pháp lý quốc gia. Đây không chỉ là đổi mới về hình thức tham vấn, mà còn minh chứng cho xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ trong hoạt động quản lý nhà nước./.