QUYẾT SÁCH MỞ ĐƯỜNG CHO SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP HÀNG HÓA BẮC KẠN:

Bài 1 - Nghị quyết ra đời là cụ thể hóa chủ trương của Đảng và đòi hỏi từ thực tiễn

Số lượng HTX tăng 4 lần, nhiều năm liền Bắc Kạn đứng thứ hai cả nước về số lượng sản phẩm OCOP, đời sống của nhiều nông hộ thay đổi khi tham gia các chuỗi liên kết phát triển sản xuất hàng hóa dựa trên cây trồng, vật nuôi thế mạnh của địa phương, như: Miến dong, bí xanh thơm Ba Bể, hồng không hạt, lợn đen bản địa… Những dẫn chứng này cho thấy Nghị quyết số 08/2017/NQ-HĐND (Nghị quyết 08) của HĐND tỉnh Bắc Kạn đã thực sự phát huy hiệu quả trong thực tiễn, giúp sản xuất hàng hóa nông nghiệp có bước tiến mạnh mẽ.

Miến dong Bắc Kạn hiện là một trong những thương hiệu được nhiều người tiêu dùng trên cả nước biết đến, mặt hàng này đã được xuất khẩu sang Cộng hòa Séc năm 2020. Ít ai biết rằng, 6 năm trước, sản phẩm miến dong chủ yếu mới được sản xuất thủ công tại một số gia đình, nhóm hộ với quy mô rất nhỏ. Ngay cả sản phẩm miến dong Tài Hoan (xã Côn Minh, huyện Na Rì) đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao duy nhất của Bắc Kạn (công suất đạt 350 tấn/năm) khi ấy cũng chỉ tráng tay được 15kg miến mỗi ngày. Vào giai đoạn cực thịnh, diện tích dong riềng của Bắc Kạn lên đến gần 3.000ha nhưng phần lớn được xuất bán thô với giá trị không cao ra ngoài tỉnh.

Từ năm 2017 về trước, củ dong riềng của Bắc Kạn chủ yếu được xuất bán thô.

Từ năm 2017 về trước, củ dong riềng của Bắc Kạn chủ yếu được xuất bán thô.

Hồng không hạt Bắc Kạn là kết tinh vị ngọt của núi rừng, được xem là sản vật trứ danh mỗi độ thu về. Nhưng trước năm 2017, tư thương muốn gom đủ lượng hàng đưa về Thủ đô cũng gặp khó vì khi ấy nhiều hộ chỉ trồng “chơi” quanh vườn để ăn, thừa mới đem bán.

“Bắc Kạn có nhiều đặc sản nổi tiếng, ấy thế mà mỗi khi lựa tìm làm quà biếu thực sự rất khó khăn vì không có mẫu mã, tem nhãn, kích cỡ không đồng nhất, thậm chí chẳng có bao bì, địa chỉ sản xuất”, ông Dương Văn Huấn, Chủ tịch Liên minh HTX Bắc Kạn kể lại câu chuyện của nhiều năm trước.

Từ khi tái lập tỉnh (1997) đến nay, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn luôn xác định quan điểm xuyên suốt, nhất quán coi sản xuất nông – lâm nghiệp là một trong những hướng đi quan trọng trong phát triển kinh tế. Dù trước đó tỉnh đã xây dựng, ban hành nhiều chính sách nhưng kinh tế nông – lâm nghiệp từ năm 2016 về trước vẫn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương; sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, khả năng cạnh tranh của nhiều sản phẩm còn thấp, thiếu sự gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ. Hay nói một cách khác, Bắc Kạn khi ấy chưa có sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp.

Trước thực trạng trên, trong bối cảnh ngành Nông nghiệp cả nước thực hiện tái cơ cấu, tháng 4/2017, tại Kỳ họp thứ năm, HĐND tỉnh Bắc Kạn khóa IX đã quyết nghị thông qua Nghị quyết số 08/2017/NQ-HĐND về việc ban hành quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa tỉnh Bắc Kạn.

Nghị quyết 08 là bước đi cụ thể hóa Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26/4/2016 Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ Ba (khóa XI) về phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường. Nghị quyết 08 là nghị quyết lớn, toàn diện đầu tiên của HĐND tỉnh ban hành, đặt nền móng cho sản xuất hàng hóa lĩnh vực nông nghiệp Bắc Kạn.

Nghị quyết 08 cũng là bước cụ thể hóa Nghị quyết chuyên đề (Nghị quyết 04) và thực hiện một trong 4 nhiệm vụ trọng tâm Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn khóa XI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra: "Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường. Tập trung trồng rừng gắn với công nghiệp chế biến gỗ để nâng cao giá trị kinh tế rừng".

Chè Mỹ Phương (Ba Bể) là một trong những thương hiệu chè được nhiều người biết đến bởi vị thơm, ngon đặc trưng. Nhiều năm trước, cấp ủy, chính quyền địa phương loay hoay tìm cách nâng cao thương hiệu, hiệu quả kinh tế của cây chè nhưng chưa mấy thành công. Năm 2017, HTX chè Mỹ Phương được thành lập và hưởng thụ chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết 08 của HĐND tỉnh cũng như một số dự án của Sở Khoa học và Công nghệ. Sản phẩm chè được sản xuất theo tiêu chuẩn kỹ thuật, mẫu mã, bao bì được cải tiến đi cùng với dán mã QR code truy xuất nguồn gốc giúp giá thành bán chè của HTX tăng mạnh, từ 150.000 đồng lên 250.000 đồng/kg. Sản phẩm chè của HTX luôn trong tình trạng “cung không đủ cầu”.

Giám đốc HTX chè Mỹ Phương, ông Nông Văn Hoành khẳng định: “Nếu không có chính sách hỗ trợ từ tỉnh, huyện thì chắc chắn chè của các thành viên HTX vẫn chỉ túm vào túi nilon bán quanh quẩn chợ phiên. Quan trọng hơn là nhờ sự hỗ trợ nhiều mặt của tỉnh, tư duy, nhận thức về quy trình trồng, chế biến và đặc biệt là khâu quảng bá sản phẩm của mỗi thành viên HTX đã thay đổi nhiều”.

“Đặt trong bối cảnh cả nước tái cơ cấu nền nông nghiệp và các HTX trên địa bàn tỉnh được tổ chức lại theo hình thức mới đang gặp nhiều khó khăn, thì Nghị quyết 08 về ban hành quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa được triển khai là rất cần kíp. Hiệu quả trước tiên và quan trọng mà Nghị quyết 08 mang lại là thay đổi tư duy, nhận thức của người dân Bắc Kạn về sản xuất hàng hóa. Bà con từ bỏ dần tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp sang sản xuất lớn với phương thức hiện đại thông qua mô hình HTX kiểu mới. Cùng với đó, trách nhiệm, cách thức lãnh đạo, tổ chức thực hiện của đội ngũ cán bộ, công chức các sở, ngành, địa phương đối với sản xuất hàng hóa cũng thay đổi theo hướng tích cực”, ông Nguyễn Mỹ Hải, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân tích./. (còn nữa)

Xem thêm