Tại tổ dân phố 5, thị trấn Bằng Lũng, buổi họp lấy ý kiến cử tri về Đề án sắp xếp, sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố diễn ra nghiêm túc và đúng quy trình. Theo Đề án này, tổ dân phố 5 sẽ sáp nhập với tổ dân phố 14B. Sau khi nghe trình bày về các phương án sáp nhập, hầu hết đại diện các hộ gia đình đã bày tỏ sự đồng thuận cao.
Ông Triệu Văn Mạc, Tổ trưởng tổ dân phố 5 cho biết: "Các ban ngành và đoàn thể của tổ đã tuyên truyền đến người dân về kế hoạch sáp nhập trước khi tổ chức lấy ý kiến cử tri. Qua đó, người dân cơ bản nhất trí với phương án sáp nhập được cấp trên đưa ra".
Hiện tại, thị trấn Bằng Lũng có 25 tổ dân phố. Theo Đề án năm 2024, số lượng tổ dân phố sẽ giảm xuống còn 17 sau khi thực hiện sáp nhập. Cụ thể, dự kiến một số tổ dân phố sẽ sáp nhập lại như: tổ 5 sáp nhập với tổ 14B, tổ 2B với tổ 3, tổ 4 với tổ 11B, và tổ dân phố Bản Duồng 1 với Bản Duồng 2…
Ông Ngọc Mạnh Hùng, quyền Chủ tịch UBND thị trấn Bằng Lũng, cho biết: Thị trấn Bằng Lũng đã hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri tại 25/25 thôn, tổ dân phố theo đúng thời gian. Mặc dù có một số điều chỉnh nhỏ sau khi lấy ý kiến, phần lớn các tổ dân phố đều đồng ý với phương án sáp nhập và đổi tên...
Tại xã Xuân Lạc, công tác lấy ý kiến cử tri đã được nghiêm túc triển khai. Theo kế hoạch, xã Xuân Lạc sẽ thực hiện sáp nhập các thôn trong năm 2024 như sau: Thôn Pù Lùng 1 sẽ sáp nhập với thôn Khuổi Sáp thành thôn Thượng Sơn, thôn Bản Puổng sáp nhập với thôn Bản Ó, thôn Bản Hỏ sáp nhập thôn Bản He, thôn Bản Khang sáp nhập với thôn Bản Tưn, thôn Bản Eng sáp nhập với thôn Nà Dạ…
Ông Trần Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lạc, cho biết: Xã đã bám sát các hướng dẫn của cấp trên và đảm bảo việc lấy ý kiến cử tri được thực hiện đúng quy trình…
Huyện Chợ Đồn hiện có 227 thôn và tổ dân phố. Theo Đề án tổng thể, huyện sẽ thực hiện sáp nhập 156 thôn, tổ để hình thành 70 thôn và tổ dân phố mới, giảm tổng cộng 86 đơn vị. Sau khi hoàn tất, huyện dự kiến còn lại 141 thôn và tổ dân phố.
Việc sáp nhập thôn, tổ dân phố có ý nghĩa quan trọng trong quá trình tinh giản bộ máy quản lý, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền cơ sở. Sáp nhập giúp giảm bớt các đầu mối quản lý, từ đó tiết kiệm nguồn lực, tăng cường khả năng điều hành và phục vụ tốt hơn cho người dân. Đồng thời, việc này còn tạo điều kiện để cộng đồng dân cư phát triển đồng đều, gắn kết hơn, giúp tận dụng tối đa các nguồn lực về con người và vật chất tại địa phương. Qua đó, góp phần đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Bên cạnh việc sáp nhập, một số thôn, tổ cũng sẽ được đổi tên để phù hợp với cấu trúc dân cư sau khi sáp nhập. Các địa phương hiện đã hoàn thành việc rà soát nhu cầu sáp nhập, đổi tên và chuẩn bị các bước tiếp theo nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện Đề án./.