Ghi chép: Mạch nguồn giữa đại ngàn

Turquoise Blue Photo Collage Summer Sea Vacation Facebook Cover.png

“Nhà em trên triền núi cao nơi gió hát rì rào

Sáng ánh điện tựa ánh sao câu hát then dịu êm

Con sông Cầu biêng biếc xanh soi bóng những nhịp cầu

Rừng ngút ngàn nâng bước chân nhớ ghé thăm bản em”

(Ca khúc Về bản em- Nhạc sĩ Tuấn Phương)

Quê hương tôi có dòng sông Cầu

Năm 1999, tôi - một cậu bé người Dao lần đầu xa nhà theo học Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn). Lần ấy tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, chúng bạn cùng lớp rủ nhau đến thăm một người bạn ở xã Phương Viên.

Ấn tượng chuyến đi ấy khiến tôi không thể nào quên, một dòng nước xanh mát lớn nhất từ trước tới giờ tôi được thấy. Dường như tất cả những con suối ở bản núi của tôi đều về đây, mọi giọt nước lớn nhỏ dường như đều đã bỏ ngọn núi về tập trung lại để hình thành nên dòng sông. Lần đầu tiên tôi biết đến dòng nước gọi là sông và con sông đầu tiên tôi biết tên: Sông Cầu.

Rồi sau này khi đi học lên cấp 3, đại học, những chuyến xe xuôi theo dòng sông, theo cả những cảnh rừng, bản làng trù phú. Trong rất nhiều giấc mơ mỗi khi tôi nhớ nhà, sông Cầu là hình ảnh đầu tiên đưa tôi trở về bản làng nơi tôi sinh ra và lớn lên. Ký ức với riêng tôi là như thế, và tôi tin rằng, bất cứ người dân Bắc Kạn nào, nhắc về sông Cầu cũng có ít nhiều tình cảm. Bởi lẽ từ bao đời nay, dòng sông ấy vẫn lặng lẽ, hiền hoà chứng kiến biết bao lớp người Bắc Kạn sinh ra, lớn lên, trưởng thành và trở về với đất mẹ...

“Sông Cầu hay sông Đồng Mỗ (tên ghi trong sách sử): Là một trong 5 con sông dài nhất ở miền Bắc Việt Nam; bắt nguồn từ xã Phương Viên (huyện Chợ Đồn), chảy theo hướng bắc Tây Bắc - nam Đông Nam qua địa phận xã Dương Phong (huyện Bạch Thông), chảy theo hướng tây Tây Nam - đông Đông Bắc, qua thành phố Bắc Kạn, tới xã Mỹ Thanh (huyện Bạch Thông), chảy theo hướng Đông Bắc - Tây Nam… Đoạn sông Cầu chảy qua địa phận tỉnh Bắc Kạn dài 103km; lưu vực 510km2, có nhiều phụ lưu, lưu lượng bình quân 25,3 mét khối/s; tổng lượng nước trong năm: 798 triệu mét khối.

Trước đây, Sông Cầu có vai trò lớn trong đời sống của cư dân Bắc Kạn, vừa là nguồn nước lớn, vừa là đường giao thông, có nguồn thủy sản dồi dào. Qua dòng sông này, các loại thuyền bè chở gạo, muối và nhiều vật dụng khác từ miền xuôi được chuyển lên bến Chợ Mới, bến Duộc; đồng thời vận chuyển các hàng lâm, thổ sản từ Bắc Kạn về các tỉnh miền xuôi. Sông Cầu còn cung cấp một nguồn lợi thủy sản phong phú, đa dạng như cá măng, cá chày đất, cá chép, cá võng…”

(Trích Lịch sử tỉnh Bắc Kạn (1900-2020).

Là người con của quê hương Bắc Kạn, ai cũng biết đến cầu Phà, nay mọi người gọi là cầu Phà cũ, cây cầu bắc ngang qua sông Cầu ở thành phố Bắc Kạn. Nếu có một dấu ấn để nhớ về Bắc Kạn từ rất nhiều năm trước, thì với chúng tôi chính là chiếc cầu Phà mang đậm dấu ấn thời gian.

Trong ký ức của những đứa trẻ ngày ấy, cầu Phà thực sự là một công trình “hoành tráng”, cầu có thể để cho nhiều chiếc xe ô tô tải đi qua được cùng một lúc. Hai bên cầu là đường dành riêng cho người đi bộ, được làm từ những mảnh ván bằng phẳng, mà ai đi qua đường ấy cũng thích dừng ở giữa, phóng tầm mắt ra thật xa, gửi lời chào đến dòng sông quê hương...

Tôi đã từng gặp những cụ ông, cụ bà lặng lẽ đứng nhìn dòng chảy mải miết mà tâm sự “Từ khi tôi còn là đứa trẻ nghịch ngợm, có lần trốn mẹ ra bờ sông chơi, đến khi tôi biết câu cá, đi làm, ngày mấy lần đạp xe qua cầu Phà và đến tận bây giờ sông Cầu như một phần không thể thiếu của bức tranh quê hương, nhớ về Bắc Kạn là nhớ đến sông Cầu”.

2 (2).jpg
Cầu Phà gắn liền với sông Cầu và là ký ức của biết bao người dân Bắc Kạn (ảnh tư liệu).

Những mạch nguồn từ đỉnh Tam Tao

Từ ghi chép của cuốn lịch sử tỉnh Bắc Kạn, chúng tôi háo hức lên đường, tìm đến xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn- nơi bắt nguồn của sông Cầu.

Trên đỉnh Tam Tao (người dân nơi đây gọi là Tham Thẩu) quanh năm sương mù bao phủ, những mạch nước từ khắp núi chảy hợp lại thành những khe suối dưới chân núi tạo thành những cánh đồng Khuổi Đải, Tổng Chiêu… đây chính là nơi được người dân coi là nơi bắt nguồn của dòng sông Cầu thơ mộng đã xuất hiện trong thơ văn cũng như lịch sử với các tên gọi sông Cầu, sông Như Nguyệt.

Dưới chân núi, những ngôi nhà sàn của người Tày thấp thoáng ẩn hiện trong những thảm xanh của rừng. Bao đời nay, những con suối đã cho dân bản nước uống, cá ăn… Ngọn núi Tam Tao trở thành nơi linh thiêng của dân bản. Đặc biệt, ở bản Khuổi Đải dưới chân núi Tam Tao là nơi Bác Hồ đã từng nghỉ chân trong hành trình lịch sử từ Pác Bó về Tân Trào. Lần ấy, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và có ý kiến chỉ đạo trực tiếp, đặc biệt Người đã đặt tên mới cho hai xã “Bằng Viễn gọi là xã Hy Sinh, Phương Viên gọi là xã Phấn Đấu”. Sau đó ít ngày, tên xã Hy Sinh được khắc thành trong con dấu của Ủy ban nhân dân xã, được sử dụng đến ngày sáp nhập với xã Phương Viên năm 1947.

3 (2).jpg
Nhờ có những dòng nước dồi dào chảy từ đỉnh Tam Tao, xã Phương Viên trở thành một trong những "vựa lúa" lớn nhất của huyện Chợ Đồn.

Ngược về đầu nguồn sông Cầu vào những ngày tháng 6, chúng tôi đến đúng dịp người dân hai thôn Bằng Viễn 1, Bằng Viễn 2 đang vào vụ thu hoạch lúa. Những cánh đồng lúa chín, những nụ cười tươi được mùa của người dân hoà cùng tiếng máy gặt tạo nên không khí phấn khởi của mùa bội thu. Nhờ có những dòng nước dồi dào chảy từ đỉnh Tam Tao, xã Phương Viên trở thành một trong những vựa lúa lớn nhất của huyện Chợ Đồn. Những dòng suối mát lành nơi đây đã tạo nên một vùng sông nước với nhiều "cầu khỉ" bắc qua, điều khá hiếm ở một tỉnh miền núi như Bắc Kạn.

Theo lời giới thiệu của những người dân, chúng tôi đến tìm gặp ông Hà Văn Tồn, năm nay đã 89 tuổi. Một người con của vùng đất nơi đầu nguồn, biết nhiều chuyện và chứng kiến những đổi thay của dòng sông Cầu.

Trong ngôi nhà sàn truyền thống của người Tày, ông Tồn nhớ lại, ngày xưa những dòng suối chảy từ đỉnh Tam Tao cá nhiều vô kể, quanh vùng các loài chim, thú rất nhiều. Ngày ấy cách đây hơn bốn mươi năm trở về trước, dòng sông khi đi lại còn khó khăn, người dân đã tự đóng bè, mảng mang các loại lâm sản xuôi dòng sông mất khoảng một ngày đến thị xã Bắc Kạn để bán.

Nhưng những năm trở lại đây, dòng sông cạn đi nhiều lắm, chỉ cần xắn quần lên là lội qua được. Theo ông Tồn, nguyên nhân có thể là do hiện nay nơi bắt đầu dòng sông không còn những cây cổ thụ, vì thế lượng nước đã không còn nhiều như trước. Đôi mắt đượm buồn, ông Hà Văn Tồn nhớ lại kỷ niệm về dòng sông xưa với những chiếc mảng ngược xuôi mà nay đã trở thành quá khứ.

4.jpg
Cụ ông Hà Văn Tồn có nhiều trăn trở với dòng sông Cầu.

Phát triển du lịch gắn bảo vệ dòng sông quê hương

Những ngày gần đây, trong những câu chuyện của người dân thành phố Bắc Kạn, đều gắn với Phố đi bộ. Đây là Dự án nhận được sự ủng hộ và mong đợi của người dân trong tỉnh.

Phố đi bộ được xây dựng trên tuyến đường Thanh Niên, thuộc địa phận phường Sông Cầu và đường đê bao Bắc Sông Cầu, thôn Phặc Tràng, xã Dương Quang (thành phố Bắc Kạn). Cùng với hai cây cầu bắc qua sông Cầu mới được xây dựng, Tuyến phố đi bộ đang được thi công và dự kiến sẽ đưa vào hoạt động vào cuối tháng 8/2024, hứa hẹn sẽ là điểm nhấn đặc sắc của du lịch và văn hóa thành phố Bắc Kạn.

Trong video Phối cảnh tuyến phố đi bộ thành phố Bắc Kạn, sông Cầu là một trong những điểm nhấn quan trọng. Ngoài góp phần tạo nên không gian thơ mộng, mát mẻ, ven bờ sông Cầu với thảm cỏ xanh mướt còn dự kiến sẽ được dựng lều để du khách có thể trải nghiệm văn hóa, ngắm cảnh. Công trình được đưa vào hoạt động sẽ cung cấp thêm cho người dân và du khách một điểm đến lý thú, tạo không gian phát huy giá trị văn hóa đặc sắc vùng miền, thúc đẩy thương mại, dịch vụ.

Beige Gray Minimalist Aesthetic Photo Collage Facebook Cover.png
Ảnh cắt từ video phối cảnh Tuyến phố đi bộ Thành phố Bắc Kạn.

Cùng với triển khai các hạng mục liên quan đến cơ sở vật chất, việc bảo vệ môi trường, giữ sạch dòng sông Cầu cũng được tỉnh Bắc Kạn đặc biệt quan tâm và thực hiện trong những năm gần đây. Dòng sông Cầu gắn liền với nhiều thế hệ con người Bắc Kạn và chứng kiến sự đổi thay của quê hương. Những thế hệ nối nhau theo dòng chảy mà đi khắp muôn nơi, va vấp, trưởng thành và trở về trong sự bao dung, thiện lành của dòng nước từ mạch nguồn đất mẹ. Rồi đây, nơi dòng sông đi qua không chỉ có những cánh rừng, ruộng lúa, nương ngô, bản làng trù phú mà còn có cả những dự án, công trình phát triển du lịch hút khách.

Ấn tượng làm sao, thương nhớ làm sao, mỗi khi đi qua dòng chảy sông Cầu để về quê hương chúng tôi lại ngập ngừng và rưng rưng. Trở về từ chuyến đi đến đầu nguồn của dòng sông, khi ngồi viết bài này, chúng tôi tưởng như được chạm đến dòng nước mát lành từ đỉnh Tam Tao. Chảy qua tỉnh Bắc Kạn, sông Cầu tiếp tục đi qua 6 tỉnh thành với những tên gọi hoa mỹ khác nhau như: Sông Như Nguyệt; dòng sông Quan họ… Nhưng với chúng tôi, những đứa trẻ đã lớn lên từ mạch nguồn núi rừng, sông Cầu xanh biếc giữa đại ngàn mãi là hình ảnh không thể nào quên./.

Xem thêm