Em H đã chạy đến gặp thầy giáo chủ nhiệm để cầu cứu và lập tức được thầy giáo đưa lên phòng y tế nhà trường để nhân viên y tế sơ cứu ban đầu. Nhận thấy em H. có dấu hiệu khó thở, mệt mỏi, các thầy cô giáo Trường Tiểu học Phương Viên lái xe đưa em H ra Trung tâm Y tế huyện Chợ Đồn vào khoảng 9h20 phút.
Khi tiếp nhận, các bác sĩ, điều dưỡng trong kíp trực của Trung tâm Y tế huyện Chợ Đồn đã tập trung cấp cứu cho em H. Sau khi ổn định đường thở, các bác sĩ đã làm thủ tục chuyển viện cho em H. ra Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn bằng xe ô tô của Trung tâm Y tế huyện Chợ Đồn. Khi ra đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh, em H được các bác sĩ tiếp tục cấp cứu và chuyển tuyến đến Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên; sau đó tiếp tục chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương để điều trị. Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương: Em H vào viện trong tình trạng nguy kịch, được bóp bóng qua nội khí quản, duy trì thuốc trợ tim để đảm bảo nhịp tim và huyết áp, hôn mê sâu, co giật.
Em H được các bác sĩ điều trị bằng các biện pháp thở máy, duy trì vận mạch, điều trị chống phù não, an thần tại các đơn vị cấp cứu và điều trị tích cực. Cùng với đó, trẻ được nội soi cấp cứu tại giường gắp dị vật đường thở.
Dị vật được gắp ra là đầu bút bi màu đen, kích thước khoảng 0,5 x 0,8cm, che lấp 70% phế quản gốc phải. Niêm mạc đường thở hai bên của trẻ phù nề, trong lòng phế quản nhiều dịch nhầy.
Tuy nhiên, sau mấy ngày điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi Trung ương không có chuyển biến, ngày 01/12/2024 gia đình đưa em H. về nhà và trẻ đã tử vong vào sáng 02/12/2024.
Hóc dị vật đường thở là một tai nạn nguy hiểm ở trẻ em, nếu không xử trí đúng cách có thể gây ra những di chứng rất nặng nề, thậm chí tử vong như trường hợp của em D.Q.H.
Trẻ nhỏ rất hiếu động, tò mò khám phá và chưa nhận thức được những nguy hiểm rình rập, vì vậy người lớn luôn cần để trẻ trong tầm quan sát của mình. Bên cạnh đó, cần có các biện pháp phòng ngừa cất đặt đồ đạc nguy cơ thành dị vật đường thở xa tầm tiếp cận của trẻ:
Đối với đồ chơi đồ chơi nên để ngoài tầm tay của trẻ. Không cho bé chơi với những thứ đồ chơi có thể tháo rời. Luyện cho trẻ thói quen không cho vào miệng ngậm mút.
Phòng ngừa sặc thức ăn: Luôn cho trẻ ngồi một chỗ khi ăn; Không bao giờ ép trẻ ăn, uống khi đang khóc, chạy nhảy hoặc không nên nô đùa khi có thức ăn trong miệng, vì như vậy trẻ có thể bị nghẹn. Động viên trẻ ăn từ từ và nhai kỹ. Đảm bảo đúng chế độ ăn uống theo lứa tuổi của trẻ. Không cho trẻ nhỏ dưới 2 tuổi ăn thức ăn dễ hóc như lạc, thạch, nhãn, kẹo dẻo chip chip, hạt trân châu...