Bệnh nhân Hoàng Văn Vang (61 tuổi, xã Kim Hỷ, huyện Na Rì) đã có trên 40 năm hút thuốc lá và mắc bệnh COPD nhiều năm nay. Gần đây, ông ho nhiều, khó thở, nhiều đờm, phải nhập viện điều trị đợt cấp tại BVĐK tỉnh. Sau thời gian điều trị, và được tư vấn áp dụng chế độ ăn phù hợp nên sức khỏe ông đã dần ổn định. "Khi đến điều trị, các y bác sĩ hướng dẫn rất kỹ việc tập phục hồi chức năng phổi. Cứ tầm khoảng 16 giờ là tôi được yêu cầu xuống phòng để thực hiện các bài tập. Đặc biệt, bệnh viện yêu cầu tuyệt đối không hút thuốc và thực hiện nghiêm chế độ ăn uống, nhờ đó tình trạng ho và khó thở của tôi đã giảm tích cực", ông Vang chia sẻ.
Mặc dù đường sá xa xôi, nhưng khi thời tiết thay đổi bệnh lại tái phát, ông Lưu Văn Từ (70 tuổi, xã Văn Lang, huyện Na Rì) lại phải đến BVĐK tỉnh để được các y bác sĩ của Khoa Lao và Bệnh phổi thăm khám, điều trị, hướng dẫn cách sử dụng thuốc để kiểm soát và phòng ngừa cơn hen mà ông đã mắc nhiều năm nay. Ông Từ cho biết: “Tôi có tiền sử hút thuốc lá từ lúc còn thanh niên. Dù biết tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe mình khi thường xuyên phải nằm viện điều trị bệnh phổi, nhưng tôi mãi không cai được thuốc lá. Đến giờ, thường xuyên xuống đây điều trị bệnh COPD, được các bác sĩ động viên, khuyên răn, tôi quyết tâm sẽ giảm dần để cai hẳn thuốc lá. Hiện sức khỏe tôi hiện đã ổn định hơn nhiều”.
Bác sĩ Lý Thị Nhung, Phó Trưởng khoa Lao và Bệnh phổi (BVĐK tỉnh) cho biết: Mỗi năm, khoa điều trị nội trú cho khoảng 200 bệnh nhân, trong đó phát hiện mới khoảng 30-40 bệnh nhân COPD. Qua khai thác tiền sử bệnh nhân cho thấy, có khoảng 50 - 60% bệnh nhân liên quan đến hút thuốc lá, thuốc lào. Các bệnh nhân bị các bệnh lý cấp tính, mãn tính về hô hấp do hút thuốc lá, sau một thời gian được chúng tôi hướng dẫn điều trị, chăm sóc đều thuyên giảm các triệu chứng. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là ý thức tuân thủ theo khuyến cáo của người bệnh là rất thấp. Nhiều người bệnh vẫn tái diễn việc hút thuốc lá, thuốc lào khiến các triệu chứng tái phát và diễn biến bệnh nặng hơn, dẫn đến việc điều trị nội trú và ngoại trú gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian.
Theo bác sĩ Nhung, người hút thuốc có tỷ lệ tử vong do COPD cao gấp 10 lần so với người không hút thuốc. Không chỉ người hút thuốc lá chủ động mà người hít phải khói thuốc do người khác hút cũng có thể tăng nguy cơ COPD. COPD làm suy giảm khả năng hô hấp, hạn chế khả năng hoạt động hằng ngày và làm giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Bệnh tiến triển kéo dài nhiều năm và cuối cùng dẫn đến tâm phế mạn và tử vong.
Có khoảng 80 - 90% số bệnh nhân bệnh COPD xảy ra trên người đang hút hoặc có tiền sử hút thuốc lá, một số bệnh nhân đang sống, làm việc ở môi trường khói bụi, hóa chất, khói bếp, không khí ô nhiễm và một ít có thể xảy ra ở người có bệnh lý nhiễm trùng hô hấp không được điều trị đúng cách và hợp lý. Hút thuốc không những gây COPD, mà còn gây ra nhiều bệnh phổi khác nữa.../.
Cách xử trí
- Cần ngưng ngay thuốc lá và tránh môi trường có khói thuốc lá.
- Cần đi khám khi có các dấu hiệu nghi ngờ như ho, khạc đờm và khó thở khi làm nặng.
- Giữ không khí trong nhà thật sạch, thoáng, tránh khói và các loại khí gây khó thở, tránh tiếp xúc với khói bếp than.
- Thường xuyên luyện tập thể dục; Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, sống lạc quan và hoạt động trong điều kiện sức khoẻ cho phép.
- Đến ngay cơ sở y tế nếu tình trạng xấu đi như: Nói chuyện, đi lại khó khăn; môi hay móng tay tím tái; nhịp tim, mạch rất nhanh hay không đều; thuốc điều trị thường dùng không còn tác dụng; thở gấp hoặc khó thở./.