Mình thực hiện có hiệu quả, bà con mới tin theo
Thôm Phả có 101 hộ dân với hơn 97% là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông, lâm nghiệp, nên còn nhiều khó khăn. Vì thế chị Thoan luôn trăn trở, làm gì để thay đổi cuộc sống giúp bà con vươn lên để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện tốt công xây dựng nông thôn mới, đời sống người dân trong thôn được khấm khá hơn.
Tuy nhiên, cái khó lớn nhất là việc làm thế nào thay đổi nhận thức cho người dân. Bởi, để bà con tin tưởng, phát triển những mô hình kinh tế hay, chuyển đổi sang những cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của thôn thì không chỉ nói suông, mà bản thân mình và gia đình phải gương mẫu, đi đầu thực hiện sao cho hiệu quả.
Chị Thoan trồng cỏ voi để nuôi ngựa bạch. |
Với những trăn trở đó, chị Thoan và gia đình đã cải tạo vườn rừng đất lâm nghiệp, cây bụi không có giá trị kinh tế sang trồng cây lâm nghiệp, cây mỡ với diện tích 3,5ha. Thấy điều kiện của gia đình và các hộ trong thôn có đất ruộng cạn, có bãi chăn thả, chị Thoan và gia đình đầu tư nuôi ngựa bạch vỗ béo. Ban đầu gia đình nuôi 06 con, cuối năm bán lãi được 60 triệu đồng. Thấy được hiệu quả kinh tế, đã có 06 hộ trong thôn nuôi ngựa bạch giống gia đình chị và có thêm thu nhập cho hơn 15 người…
Mô hình nuôi ngựa bạch đã được nhân rộng trong thôn, trong xã. Nhiều hộ gia đình đã có thu nhập khá từ mô hình này. |
Dân chủ, minh bạch trong xây dựng nông thôn mới
Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng, chị Thoan cùng các thành viên trong Ban Phát triển thôn đã xây dựng kế hoạch thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là các tiêu chí, chỉ tiêu liên quan trực tiếp đến người dân để tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện.
Không ngại khó, ngại khổ, chị La Thị Thoan cùng các thành viên trong Ban Phát triển thôn đã đến từng nhà, tuyên truyền, vận động bà con… Khi đồng bào đã hiểu rõ mục đích, lợi ích của quá trình xây dựng nông thôn mới là để phục vụ Nhân dân, nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, nhiều hộ trong thôn đã tự nguyện hiến đất, tài sản trên đất, góp tiền của, ngày công xây dựng nông thôn mới…
Chị La Thị Thoan chia sẻ: Ngoài tích cực tuyên truyền, vận động để bà con hiểu về ý nghĩa, tầm quan trọng trong xây dựng nông thôn mới thì khi triển khai bất kể phần việc, công trình nào cũng phải thực hiện một cách dân chủ, công khai minh bạch. Mọi người dân đều có thể biết, có thể bàn, có thể quyết định, và khi triển khai mọi đóng góp, chi phí đều được công khai minh bạch để toàn thôn được biết…
Cầu vào thôn Thôm Phả được xây dựng từ nguồn tài trợ của các nhà hảo tâm và sự đóng góp của bà con trong thôn. |
Theo đó, Nhân dân trong thôn Thôm Phả đã đóng góp tiền, công lao động để hoàn thành 400m đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt hơn là thôn đã vận động Nhân dân tham gia xây dựng cầu bằng nguồn vốn xã hội hóa theo phương châm "Nhà nước và Nhân dân cùng làm"…
Từ sự gương mẫu, đi đầu của chị Thoan, thôn Thôm Phả đã có nhiều chuyển biến tích cực. Thôn trở thành điểm sáng của xã với nhiều mô hình kinh tế nổi bật như chăn nuôi đại gia súc, nuôi lợn, nuôi ong, trồng rừng… đem lại thu nhập khá./.