Dù sinh sống, công tác, làm việc, sản xuất ở vùng điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhưng nhiều bạn trẻ ở Bắc Kạn vẫn chủ động bắt nhịp cùng chuyển đổi số, tạo cơ hội phát triển, bám sát chủ đề năm 2023 - “Năm chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn”.
“Đại Bắc Kạn” tên thật là Lường Quang Đại, sinh năm 1990, là Tiktoker nổi tiếng được nhiều người dùng mạng xã hội biết đến với những video hàng triệu lượt xem, cá biệt có video đạt gần 9 triệu lượt xem. Chàng thanh niên với bộ râu quai nón, nụ cười hiền, người dân tộc Tày ở xã vùng cao Dương Phong (Bạch Thông) trở thành hình mẫu cho nhiều bạn trẻ học theo.
Cuối năm 2021, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ở nhà buồn suốt ngày lướt mạng xã hội, thấy một số video hay hay nên “Đại Bắc Kạn” nảy ra ý định làm theo. Những buổi đầu quay video, vì "ngại" mọi người trong gia đình và bà con cười nên anh trốn lên nương, lên rừng để làm. Nhưng cũng chính vì bối cảnh quay hoàn toàn ở ngoài thiên nhiên cộng với cách nói chuyện chất phác, đậm chất miền núi nên được mọi người yêu mến.
Trở thành nhà sáng tạo nội dung với những video triệu view, vợ chồng anh “Đại Bắc Kạn” nghĩ đến việc “mượn sóng” mạng xã hội để bán hàng, giúp bà con địa phương quảng bá nông sản. Nhờ có lượng người xem đông cùng với duyên bán hàng nên những sản phẩm được vợ chồng anh Đại livestream đều “đắt như tôm tươi”. Có tháng cao điểm vụ quýt địa phương, vợ chồng anh “Đại Bắc Kạn” bán được hơn 1 tỷ đồng tiền hàng. Vừa tạo thu nhập khá cho gia đình, vừa giúp nhiều nông sản của Bắc Kạn vươn xa đến với thị trường trong nước.
Gia đình anh Lường Quang Đại – chị Lý Thị Xuân là một trong 15 gia đình tiêu biểu đến từ các tỉnh, thành phố được biểu dương tại Lễ tuyên dương "Gia đình trẻ Việt Nam tiêu biểu" năm 2023 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức.
Là người năng động, nắm bắt được xu hướng và lợi thế của thương mại điện tử nên ngay những năm đầu thành lập, Giám đốc HTX Nhung Lũy (Ba Bể), chị Đinh Tuyết Nhung (sinh năm 1991) đã biết tận dụng sức mạnh của mạng xã hội để giới thiệu, bán hàng trực tuyến. Với sự hỗ trợ từ một số ngành, đơn vị của tỉnh, HTX Nhung Lũy tiếp cận và tham gia nhiều hơn vào thương mại điện tử.
Để có chỗ đứng vững chắc tại các cửa hàng, siêu thị lớn ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, ngoài chất lượng thì vấn đề nguồn gốc sản phẩm rất quan trọng. Vì thế, HTX Nhung Lũy đã xuống Hà Nội đăng ký xin cấp mã vạch truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Doanh thu mỗi năm hiện nay của HTX Nhung Lũy đã vượt con số 10 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 20 lao động địa phương.
So với thanh niên ở nhiều tỉnh, thành phố lớn thì mô hình, doanh thu, lợi nhuận của anh Đại, chị Nhung… còn khiêm tốn, nhưng đặt trong điều kiện tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Bắc Kạn thì đó lại là câu chuyện đáng ghi nhận và cần được nhân rộng.
Côn Minh (Na Rì) được chọn là một trong 08 xã, phường thực hiện mô hình điểm về chuyển đổi số của Bắc Kạn. “Lĩnh ấn” tiên phong, Đoàn Thanh niên xã bắt tay vào thực hiện với quyết tâm cao. Đồng chí Bí thư Đoàn xã đảm nhận làm Tổ trưởng Tổ công nghệ số cộng đồng của xã, các bí thư chi đoàn cũng là tổ phó tổ công nghệ số cộng đồng ở mỗi thôn. Nhiệm vụ là tham gia các hội nghị, buổi tập huấn lĩnh hội các kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ người dân.
Dấu ấn nổi bật trong thực hiện chuyển đổi số của tuổi trẻ xã Côn Minh năm 2023 và 5 tháng đầu năm 2024 là đoàn viên đã tích cực phối hợp với các ngân hàng triển khai mô hình "Chợ 4.0" với 100% tiểu thương được cấp mã QR. Phối hợp với Công an xã hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VneID và kích hoạt định danh điện tử mức độ 1 và 2. Phối hợp với Trạm Y tế xã khởi tạo Sổ sức khỏe điện tử cho 100% người dân.
Bắc Kạn đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 nằm trong nhóm trung bình kết quả xếp hạng chỉ số chuyển đổi các tỉnh, thành phố của cả nước. Đến năm 2030, trở thành tỉnh phát triển bền vững; chính quyền số được hình thành, trong đó các hoạt động của chính quyền có thể thực hiện 100% trên không gian số; kinh tế số chiếm vai trò lớn trong tăng trưởng GRDP; phát triển xã hội số an toàn. Để đạt mục tiêu này, Bắc Kạn đã xây dựng và ban hành chính sách, bố trí nguồn lực, cùng các giải pháp thực hiện. Đồng thời, giao trách nhiệm cho các đơn vị, địa phương, trong đó có các cấp bộ Đoàn.
Nhận thấy trách nhiệm và sự tin tưởng của tỉnh giao phó, thời gian qua các cấp bộ Đoàn tỉnh Bắc Kạn đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong đoàn viên, thanh niên. Xem đây là trách nhiệm, cũng là cơ hội để đổi mới hoạt động trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, tạo điều kiện cho tuổi trẻ Bắc Kạn nắm bắt thời cơ bứt phá.
Nổi bật trong năm 2023, Tỉnh đoàn Bắc Kạn phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức tập huấn về chuyển đổi số cho trên 800 cán bộ Đoàn cấp huyện và cơ sở; tổ chức Hội nghị tập huấn tăng cường kỹ năng bán các sản phẩm OCOP qua phương tiện số của thanh niên nông thôn; tổ chức Diễn đàn chuyển đổi số trong truyền thông quảng bá sản phẩm OCOP của thanh niên; hướng dẫn đoàn viên, thanh niên cài định danh điện tử VneID. Hỗ trợ các mô hình thanh niên làm kinh tế ứng dụng khoa học công nghệ; tư vấn, hướng dẫn 120 trường học cài đặt dịch vụ quản lý giáo dục; triển khai mô hình “Chợ thanh toán không dùng tiền mặt”…
Chuyển đổi số là quá trình mới mẻ và cũng đầy khó khăn, thách thức. Nhưng “không đi không thể đến đích”, nếu chủ động thực hiện chuyển đổi số sớm, nhanh thì sẽ nắm bắt thời cơ, lợi thế để tạo xung lực mới cho Bắc Kạn đi lên. Trong tiến trình ấy, vai trò và đóng góp của thế hệ trẻ Bắc Kạn là hết sức quan trọng./. (Còn nữa)
Bài 3: Gìn giữ, lan tỏa văn hóa truyền thống