Hưởng ứng Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam (04/10/2020 - 04/10/2024).

Nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo nghề

BBK - Sau gần 5 năm sát nhập, Trường Cao đẳng Bắc Kạn đã và đang nỗ lực không ngừng để trở thành địa chỉ uy tín đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, đa dạng về ngành nghề, trình độ và hình thức đào tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực.

z5887472009880_f35b3e0a3a46455687fb24491ac00044.jpg
Tiết học thực hành tại Khoa Cơ điện.

Trường Cao đẳng Bắc Kạn có tổng diện tích trên 10ha. Những năm qua từ các nguồn vốn trong và ngoài nước, nhà trường đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghề hiện đại, xây dựng các nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị máy móc hiện đại cho đào tạo nghề, đào tạo nguồn lực giáo viên đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài đạt chuẩn nhà giáo theo quy định, đáp ứng nhu cầu thực hành, thực tập và nghiên cứu khoa học của các khoa chuyên môn.

Trường được cấp phép đào tạo 19 nghề, gồm: 07 mã ngành/nghề trình độ cao đẳng, 08 mã ngành/nghề trình độ trung cấp, 04 nghề trình độ sơ cấp; Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp 01 mã nghề Cao đẳng sư phạm mầm non. Hiện nay, nhà trường tập trung đào tạo các lĩnh vực ngành nghề: Kỹ thuật Cơ khí; kỹ thuật Điện; Nông nghiệp; Du lịch, Khách sạn, Nhà hàng; Kế toán; Công nghệ thông tin; Sư phạm mầm non. Mỗi năm nhà trường tuyển sinh 370 chỉ tiêu cao đẳng và trung cấp. Hiện nay, trường có 812 học sinh, sinh viên đang theo học, trong đó học hệ giáo dục thường xuyên là 520 học sinh.

Công tác liên kết - hợp tác đào tạo luôn được Trường quan tâm đầu tư, nâng cao hiệu quả. Nhà trường đã ký cam kết hợp tác đào tạo, giới thiệu ba bên với hơn 30 doanh nghiệp. Khoa Cơ điện đã ký kết hợp tác với Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ SUNFLOWER, Công ty cổ phần IL - SUNG TECH, Công ty TNHH Đầu tư ATM VINA và nhiều công ty có uy tín khác... bảo đảm toàn bộ các học viên được thực tập và có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Năm 2023, qua lần vết HSSV ra trường có việc làm tại Khoa Cơ điện trên 90%; Khoa Cơ giới đường bộ là 83,3%; Khoa Sư phạm 100%; Khoa Tổng hợp trên 90%.

Ông Bế Ngọc Tuấn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bắc Kạn cho biết: Yêu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp đã có nhiều thay đổi, ngoài năng lực nghề nghiệp, người lao động cần phải có kỹ năng mềm và khả năng thích ứng với môi trường làm việc hội nhập. Vì vậy, nhà trường đã xác định phải tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới nội dung, chương trình, chuyển từ việc trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Đặc biệt, Trường đang tập trung nguồn lực để xây dựng và triển khai chương trình đào tạo cho những ngành, chuyên ngành mà địa phương và xã hội đang cần.

Cụ thể, quan tâm nâng cao chất lượng giảng viên, bởi đội ngũ này chính là người tiên phong tiếp cận phương pháp giảng dạy mới, thường xuyên được cập nhật kiến thức, công nghệ đang áp dụng tại doanh nghiệp. Nhà trường hiện có 119 cán bộ, viên chức, trong đó có 109 giảng viên, giáo viên, nhà giáo có trình độ đạt chuẩn theo yêu cầu, có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy, có kỹ năng tay nghề cao. Mỗi năm Trường đều cử nhiều cán bộ, viên chức đi bồi dưỡng về chức danh nghề nghiệp, lý luận chính trị và năng lực chuyên môn nghiệp vụ.

Để quá trình đào tạo theo sát thực tiễn, mang tính ứng dụng cao, các ngành đào tạo đều có chương trình đào tạo được xây dựng dựa trên chuẩn đầu ra, định kỳ được tổ chức đánh giá, cập nhật những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp và yêu cầu thực tế của từng vị trí việc làm của người tốt nghiệp. Nhà trường đã triển khai các giải pháp giảng dạy linh hoạt, xây dựng và vận hành hệ thống quản lý đào tạo trực tuyến, đào tạo kết hợp (kết hợp trực tuyến, trực tiếp), tăng cường kết nối, gắn kết với doanh nghiệp thực hiện các nội dung liên quan đến thực hành, thực tập, thực tế trong các chương trình đào tạo; đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong sinh viên, khơi dậy khát vọng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Với cách tiếp cận đúng đắn, chất lượng đào tạo của Trường Cao đẳng Bắc Kạn được giữ ổn định và từng bước nâng cao. Phát huy những kết quả đã đạt được, nhà trường phấn đấu trở thành địa chỉ đào tạo nghề chất lượng cao, gắn việc đào tạo với các đơn vị sử dụng lao động, tạo mối liên kết lợi ích: Nhà trường - người học - doanh nghiệp./.

Xem thêm