Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, đây là sự trân trọng của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi đến các thế hệ Nhà giáo và ngành Giáo dục – những người đã và sẽ đóng góp to lớn cho sự nghiệp trồng người vẻ vang và cao quý.
Dự thảo Luật Nhà giáo trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ này gồm 09 chương, 50 điều, với phạm vi điều chỉnh khá rộng, liên quan đến nhiều luật chuyên ngành và số đông viên chức là nhà giáo tại các cơ sở giáo dục công lập chiếm tới 2/3 tổng biên chế sự nghiệp của cả nước và đội ngũ ngày càng đông đảo các nhà giáo tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập, thu hút được sự quan tâm của đông đảo cử tri.
Tại phiên thảo luận sáng nay, các đại biểu Quốc hội thảo luận xoay quanh các vấn đề đang còn nhiều ý kiến khác nhau như: Chính sách của Nhà nước về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo; quyền và nghĩa vụ của nhà giáo; chuẩn nghề nghiệp nhà giáo; tuyển dụng, điều động, biệt phái, thuyên chuyển nhà giáo; chính sách tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo; chính sách hỗ trợ, thu hút nhà giáo; chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo; các quy định về quản lý nhà nước về nhà giáo.
Nhiều đại biểu nhấn mạnh tính đặc biệt của nghề giáo và khẳng định giáo dục là quốc sách trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước. Các đại biểu đề nghị bổ sung một số quyền và nghĩa vụ của nhà giáo, quy định thu hút nhà giáo giỏi vào ngành sư phạm; cần nhìn nhận thấu đáo về vấn đề dạy thêm, học thêm để quy định cho phù hợp; cần có quy định tiêu chuẩn đầu vào với nguồn đào tạo giáo viên tại các cơ sở đào tạo nguồn giáo viên; Luật Nhà giáo cần thể hiện rõ chính sách đối với nhà giáo là người dân tộc thiểu số và nhà giáo đang công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; cân nhắc quy định về bảo lưu chế độ, chính sách trong điều động nhà giáo…
Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã phát biểu ý kiến làm rõ thêm các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm./.