THI ĐUA YÊU NƯỚC:

Cô giáo Tày của bản làng vùng cao

BBK - Trong những ngày đầu đông se lạnh, câu chuyện về cô giáo Long Thị Duyên, người con dân tộc Tày tại bản Nà Coóc, xã Bộc Bố (Pác Nặm), lại càng thêm ấm áp. Cuộc đời cô là một hành trình tâm huyết vượt qua nhiều khó khăn, mang con chữ đến với các em nhỏ tại điểm trường Khâu Vai.

Hết lòng vì học sinh DTTS

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nông nghèo, ngay từ nhỏ, chị Long Thị Duyên đã sớm hiểu thế nào là sự khó khăn của cuộc sống.

z6044600148095-f0be9f3b0af22bf1723a863073a077d5.jpg
Cô giáo Long Thị Duyên luôn dành tình yêu thương cho các học sinh vùng cao.

Những năm ngồi trên ghế nhà trường, ước mơ trở thành cô giáo mầm non để có thể chăm sóc, yêu thương và dạy dỗ các em nhỏ đã nhen nhóm trong chị. Chính tình yêu trẻ thơ và sự động viên của gia đình đã trở thành động lực giúp chị vượt qua hoàn cảnh khó khăn để thi đỗ vào Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên.

Sau khi tốt nghiệp, năm 2007, cô giáo trẻ Long Thị Duyên được phân công giảng dạy tại điểm trường Khâu Vai thuộc Trường Mầm non Bốc Bố (Pác Nặm) với 100% học sinh là đồng bào người dân tộc Mông, Dao, điều kiện gia đình khó khăn.

Ngày được phân công lên điểm trường Khâu Vai – một nơi nằm sâu trong núi, cách trung tâm xã 7km đường dốc, cô giáo Duyên không khỏi lo lắng. Cô nhớ lại: "Mặc dù sinh ra và lớn lên tại nơi đây, cũng thường xuyên được tiếp xúc với bà con và có sự chuẩn bị từ trước về tâm lý, nhưng khi vào đến điểm trường Khâu Vai bản thân tôi cũng không khỏi ngỡ ngàng trước cuộc sống khó khăn của bà con".

z6044600135304-1837e266e4fc015a01a59a1d67d2d04e.jpg
Cô giáo Duyên tổ chức các trò chơi nhằm tạo hứng thú cho các em.

Ở điểm trường, phòng học được người dân trong thôn dựng tạm bằng cây tre, mưa là dột ướt hết đồ dùng học tập, không có phòng ở cho giáo viên, đồ dùng đồ chơi, trang thiết bị dạy học vô cùng thiếu thốn. Cô Duyên bộc bạch: “Tôi vẫn nhớ như in ngày mới lên bản nhận công tác gặp rất nhiều khó khăn do mới ra trường kinh nghiệm chưa có, bất đồng ngôn ngữ giữa cô và trẻ, đa số trẻ hạn chế về khả năng nghe, hiểu và giao tiếng về Tiếng Việt, trẻ đi học không đều, nhút nhát khi đến lớp".

Khó khăn, gian khổ là vậy, nhưng rồi khi gần gũi, chăm sóc, dạy dỗ các cháu nơi đây, thấu hiểu đời sống khó khăn của con em đồng bào các DTTS của quê hương mình, cô giáo cảm thấy mình cần có trách nhiệm hơn với trẻ, với cộng đồng, đồng cảm sẻ chia cùng đồng nghiệp.

z6038229249439-0ddbe01bbd98e26426b62a7635856d8f.jpg
Cô giáo Long Thị Duyên (người thứ hai từ trái sang) tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024.

Vừa làm cô, vừa làm “mẹ”

Gắn bó với học sinh vùng cao, điều mà cô giáo Long Thị Duyên trăn trở nhất không phải là sự vất vả của bản thân mà cuộc sống cơ cực của các em nhỏ nơi đây. Cô Duyên kể: "Vào những ngày mùa đông, học sinh đến lớp, em nào cũng tím hết chân tay, rét run vì lạnh. Tôi phải nhóm bếp cho các con sưởi ấm và đun nước ấm rửa chân cho các con, và lúc nào cũng phải chuẩn bị quần áo để ở lớp thay cho các con bị mưa ướt và lạnh vì mặc mỏng".

anh-2.jpg
Cô giáo Long Thị Duyên tại Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024.

Nhớ lại những lần đi vào bản vận động bà con cho con, cháu đi học, vào đến từng nhà người dân trong bản hoàn cảnh rất khó khăn, anh chị lớn ở nhà trông em, bố mẹ bận đi nương rẫy, bữa cơm của các con cũng chỉ là mèn mén, canh rau cải và muối.

Cảm thông với cuộc sống khó khăn của học sinh, cô đã không ngừng vận động bạn bè, những nhà hảo tâm quyên góp quần áo, giày dép, đồ dùng học tập cho các em. Cô đến từng nhà trong bản để vận động bà con cho con cháu đến trường, rồi tự mình học thêm tiếng Mông, tiếng Dao để có thể giao tiếp và hiểu biết hơn tâm tư, tình cảm của học trò và phụ huynh. Bà con dù nghèo khó nhưng luôn chan chứa tình cảm, đôi khi là bó rau rừng, củ sắn... đã động viên, giúp cô có thêm động lực.

z6044600135065-b38593c5468240b62e43cc4e3cc8274f.jpg
Cô giáo Long Thị Duyên dạy các em cách phát âm các chữ cái.

Sau nhiều năm công tác, cô hiểu rõ hơn bao giờ hết rằng việc dạy học cho trẻ em dân tộc thiểu số là một quá trình dài và cần rất kiên nhẫn.

Cô giáo Long Thị Duyên chia sẻ thêm: "Dạy tiếng Việt cho trẻ người dân tộc thiểu số rất khó. Giáo viên phải nhắc lại nhiều lần, diễn tả bằng khẩu hình chậm để trẻ quan sát và phát âm theo. Tôi cũng thường xuyên dành thời gian để quan tâm, tiếp xúc với trẻ; tổ chức các hoạt động để tạo điều kiện tốt nhất để các em được giao tiếp với bạn, với cô bằng tiếng Việt".

Cô Duyên chia sẻ cảm xúc khi là 1 trong 60 thầy cô giáo được tuyên dương tại Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2024.

Trong lớp, cô chú ý trang trí các góc học tập thật bắt mắt, sử dụng các hình ảnh sinh động và những đồ dùng có chú thích bằng tiếng Việt để tạo tò mò cho trẻ. Cô còn tổ chức các trò chơi dân gian, các hoạt động tập luyện giúp các em có cơ hội giao tiếp bằng tiếng Việt, giúp các em mạnh dạn hơn.

Không dừng lại ở việc chăm sóc, giáo dục trẻ, cô còn tích cực tự học, bồi bổ nâng cao nghiệp vụ. Cô Duyên còn tham gia các khóa bồi dưỡng chính trị, chuyên môn, cùng học sinh tham gia hội thi “Bé khỏe bé đẹp”, “Bé tập làm nội trợ”, giúp học sinh đạt nhiều thành tích.

z6050306211308-a98a3d636559295c406168b285aeb0da.jpg
Cô giáo Long Thị Duyên nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vì có nhiều đóng góp trong công tác giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ, tham dự Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024.

Gần 20 năm công tác, cô giáo Long Thị Duyên đã chứng kiến ​​​​bao lớp học sinh lớn lên, trưởng thành từ những lớp học ghép tại Khâu Vai. Những đôi mắt thơ ngây, những nụ cười hồn nhiên của các em là nguồn động lực vô tận, là niềm tự hào trong hành trình cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng cao của cô.

Cô Hoàng Thị Quý, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bộc Bố (Pác Nặm) nhận xét về cô Duyên trong công tác giảng dạy.

Với những thành tích trong công tác, mới đây, cô giáo Long Thị Duyên là một trong 60 thầy cô được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vì đã có nhiều đóng góp trong công tác giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ, tham dự Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024…/.

Xem thêm