Nhiều khó khăn trong thực hiện
Phòng Hành chính tư pháp và Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp Bắc Kạn có 05 biên chế nhưng đảm nhận tới hơn 15 nhiệm vụ chuyên môn, như: Lý lịch tư pháp, hộ tịch, chứng thực, quốc tịch, công chứng, đấu giá, giám định tư pháp, luật sư… Trong số biên chế này, có 01 công chức trực tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Để đảm nhận được khối lượng công việc lớn nêu trên, chuyện lãnh đạo và nhân viên của của Phòng làm đến hơn 18h mới về hay làm thêm thứ Bảy, Chủ nhật là hết sức bình thường.
Ông Nguyễn Anh Cương, công chức Phòng Hành chính tư pháp và Bổ trợ tư pháp chia sẻ: “Mỗi ngày làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, tôi tiếp nhận khoảng 30 – 40 hồ sơ qua môi trường mạng, chủ yếu liên quan đến lý lịch tư pháp. Phần lớn các hồ sơ này đều thiếu hoặc sai các trường thông tin nên phải mất nhiều thời gian hỗ trợ người dân chỉnh sửa, bổ sung. Cùng với đó, tôi cũng dành nhiều thời gian để trả lời điện thoại hoặc trao đổi tin nhắn qua mạng xã hội hỗ trợ cấp xã, huyện xử lý TTHC trong lĩnh vực được giao. Vì thế, dù muốn chia sẻ công việc hay tham gia hoạt động chung của Phòng, cơ quan cũng rất khó”.
Còn đối với lãnh đạo và nhân viên Phòng Xây dựng và Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, không những phải làm thêm giờ, làm cả ngày nghỉ mà đôi khi phải làm đến đêm mới xong việc, nhất là vào trước mỗi kỳ họp của HĐND tỉnh.
Bà Hà Thị Đào, Giám đốc Sở Tư pháp cho hay: Hiện nay, khối văn phòng Sở có 26 biên chế (có mặt 25), gồm Ban Giám đốc, 03 phòng chuyên môn, văn phòng và thanh tra. Dù hiện còn khuyết 01 biên chế và khối lượng công việc rất nhiều nhưng Sở chưa tuyển vì theo nhiệm vụ được giao, năm 2025, đơn vị phải tinh giản 01 biên chế. Nếu giai đoạn tiếp theo mà biên chế vẫn phải "co lại" thì rất khó khăn cho đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Từ trước năm 2015, tỉnh Bắc Kạn được cấp có thẩm quyền giao số lượng biên chế công chức, phê duyệt số lượng biên chế viên chức thấp, chưa đủ định biên theo quy định và thấp hơn so với các địa phương khác trong cả nước. Hơn nữa, diện tích đất tự nhiên rộng, nhiều khu vực thuộc vùng ATK, phạm vi địa bàn các thôn, xã rộng, giao thông đi lại không thuận lợi… nên khó khăn cho tỉnh khi thực hiện tinh giản biên chế trong giai đoạn này. Thêm vào đó, tâm lý ngại va chạm, nể nang, chưa làm hết trách nhiệm của một số đơn vị, địa phương cũng là hạn chế trong thực hiện tinh giản biên chế của tỉnh. Đa số mới chỉ dừng ở việc cắt giảm biên chế, việc tinh giản để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần tăng hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính chưa được nhiều.
“Chỉ bàn làm, không bàn lùi”
Thực hiện Quyết định số 906-QĐ/TU, ngày 30/11/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giao biên chế khối đảng, đoàn thể giai đoạn 2022 - 2026, trong giai đoạn này, Trường Chính trị tỉnh được giao biên chế viên chức là 26 người (được hưởng lương từ ngân sách nhà nước), giảm 15 biên chế so với năm 2021. Đến nay, nhà trường hiện chỉ còn 27 biên chế (01 biên chế thuyên chuyển công tác giữa năm 2024). Biên chế được giao ít nên việc sắp xếp vị trí việc làm của các khoa, phòng trong đơn vị chưa bảo đảm theo quy định chung, một số viên chức, giảng viên còn phải kiêm nhiệm thêm nhiều công việc.
Dù khó khăn là thế nhưng cấp ủy, Ban Giám hiệu Trường Chính trị luôn quan tâm thực hiện tốt công tác quản lý và sử dụng biên chế. Giải pháp được nhà trường đưa ra là khuyến khích cán bộ, viên chức nêu cao tinh thần, trách nhiệm. Động viên cán bộ, chuyên viên đi học chính trị, đào tạo sau đại học và tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm,... để chuyển sang ngạch giảng viên.
Đầu năm 2020, thực hiện Nghị quyết số 855 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xã Quân Hà (Bạch Thông) được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 xã Quân Bình và Hà Vị. Khi ấy, đội ngũ công chức của xã lên đến 33 người nên 01 vị trí công tác phải bố trí nhiều công chức. Điều này gây tâm lý lo ngại cho đội ngũ lãnh đạo, công chức địa phương. Nhưng với quyết tâm chính trị cao, bằng nhiều giải pháp, huyện Bạch Thông tiến điều động, luân chuyển, giải quyết nghỉ hưu theo chế độ, cho thôi việc ngay. Đến nay số lượng cán bộ, công chức xã được sắp xếp, bố trí đúng theo định biên 20 người đối với xã loại II. Đội ngũ cán bộ, công chức xã đoàn kết có những góp cho phát triển chung của quê hương.
Nói về công tác tinh giản biên chế trong thời gian tới, bà Hà Thị Đào, Giám đốc Sở Tư pháp khẳng định: “Tinh giản biên chế là chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Dù hiện nay, đơn vị đang thiếu nhân lực nhưng giải pháp được chúng tôi đưa ra là làm quyết liệt, đánh giá đúng thực tiễn năng lực, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức để có căn cứ đưa ra ngoài biên chế những người không đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn. Động viên cán bộ, công chức, viên chức nỗ lực nhiều hơn khi thực hiện nhiệm vụ được giao. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm giải quyết tình trạng thiếu nhân sự. Tuy nhiên, việc tinh giản phải thực chất, không nên cắt giảm biên chế một cách cào bằng mà cần tính toán đến đặc thù của từng địa phương, lĩnh vực để bảo đảm nhân lực cho bộ máy hành chính hoạt động bình thường".
Năm 2022, UBND tỉnh Bắc Kạn đã phê duyệt Đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2022 - 2026, theo đó, Bắc Kạn đặt ra chỉ tiêu từ 2022 đến năm 2026 cắt giảm 74 trường hợp công chức, 934 trường hợp viên chức.
Việc tinh giản nhằm đưa ra khỏi biên chế những người dôi dư, không đáp ứng yêu cầu công việc, không thể tiếp tục bố trí sắp xếp công tác khác. Đồng thời, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để thu hút người có đức, có tài vào làm việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Từng bước giảm số người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước chuyển lương từ nguồn thu sự nghiệp; góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2025, giảm 10% số người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Việc thực hiện tinh giản cần được thực hiện quyết liệt, công khai, minh bạch, thực chất, khách quan.
Trong bài viết "Tinh - gọn - mạnh, hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả", Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định điểm hội tụ chiến lược sau 40 năm đổi mới đang đem đến cơ hội lịch sử đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đồng thời đặt ra "yêu cầu cấp bách thực hiện quyết liệt cuộc cách mạng nhằm xây dựng hệ thống chính trị thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".
Ông Sầm Văn Trân, Phó Giám đốc Sở Nội vụ nêu rõ quan điểm: "Qua thăm nắm, nhiều sở, ngành, địa phương gặp khó khăn trong thực hiện tinh giản biên chế, phần lớn do số biên chế hiện có vốn thấp hơn quy định, nếu tinh giản nữa không còn người làm. Tuy vậy, theo chỉ đạo của Trung ương, Sở Nội vụ tham mưu cho tỉnh về thực hiện nhiệm vụ này với phương châm “chỉ bàn làm, không bàn lùi”. Có nghĩa là dù khó khăn đến đâu cũng phải thực hiện, phải tìm cách chứ không tìm lý do thoái thác. Tới đây, ngân sách nhà nước cấp cho các đơn vị, địa phương tính theo số biên chế được giao (nếu không thực hiện tinh giản được thì các đơn vị, địa phương tự tìm phương án trả lương cho cán bộ dôi dư), người đứng đầu cũng phải chịu trách nhiệm với cấp trên khi không hoàn thành nhiệm vụ về tinh giản biên chế. Khuyến khích, động viên cán bộ, đảng viên, người lao động nêu cao tinh thần gương mẫu, tăng hiệu quả làm việc, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào làm việc./.