BBK - Thực hiện Kết luận 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã và đang có sức lan tỏa sâu rộng.
Bắc Kạn là tỉnh miền núi, vùng cao còn nhiều khó khăn về kinh tế, với hơn 88% là đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống chủ yếu bằng nghề nông. Học và làm theo Bác, những người nông dân ấy đã không ngừng nỗ lực vươn lên với khát vọng đổi thay, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Bà Bàn Thị Ngân, Bí thư Chi bộ thôn Nặm Làng, xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn là một trong những người nông dân như thế.
Nặm Làng là nơi sinh sống của hơn 30 hộ dân, chủ yếu người đồng bào dân tộc Dao. Đất ruộng ít, bà con chủ yếu làm nghề tự do, có vườn nhưng trước đây không biết trồng cây gì để mang lại hiệu quả kinh tế. Trăn trở tìm hướng thoát nghèo cho người dân, bà Ngân đã tích cực tuyên truyền về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất... tuy nhiên vẫn chưa thật sự mang lại hiệu quả.
Nhận thấy dẻ ván là cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của thôn, năm 2006, bà Ngân quyết định đi sang Lạng Sơn lấy giống về trồng. Qua một thời gian thấy cây phát triển tốt, dễ trồng, dễ chăm sóc, rất phù hợp vùng này, vị bí thư chi bộ đã mạnh dạn trồng và vận động bà con làm theo…
Sau khi trồng thử nghiệm thành công, cây dẻ bắt đầu cho thu hoạch, một số hộ dân đã tin và trồng theo. Tuy nhiên để cây dẻ thật sự phát huy được hiệu quả, mang lại thu nhập và có thể làm giàu cho bà con thì cần phải có chiến lược lâu dài cả về trồng, chăm sóc và tiêu thụ sản phẩm. Chính vì vậy năm 2019, HTX Hợp Phát đã được thành lập, do bà Bàn Thị Ngân làm Giám đốc.
"Các đồng chí đảng viên phải dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi những lề thói cũ để đi tới cái mới tốt đẹp hơn, mang lại lợi ích tốt", với quan điểm đó, bà Bàn Thị Ngân không những chỉ đưa cây dẻ về trồng mà còn hướng bà con canh tác theo phương pháp hữu cơ.
Nắm bắt được nhu cầu và xu hướng của thị trường, bà Ngân và các thành viên HTX đã chuyển đổi trồng dẻ theo phương pháp truyền thống sang hữu cơ, tuân thủ đầy đủ các yêu cầu như: Không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, chất kích thích sinh trưởng, giống cây chuyển đổi gen. Mỗi cơ sở sản xuất phải có mã số nông hộ; thường xuyên ghi chép các hoạt động sản xuất, nguyên liệu sử dụng như: Giống, phân bón, chăm sóc, thu hoạch… để truy xuất được nguồn gốc. Thiết lập vùng đệm nhằm tránh lây nhiễm sâu bệnh và các yếu tố khác từ bên ngoài vào khu sản xuất…
Đến nay, HTX Hợp Phát có 21 thành viên đều là người Dao. Các thành viên chủ yếu trồng cây ăn quả, trong đó phần lớn là cây dẻ, kết hợp chăn nuôi gia súc gia cầm, thủy cầm. Hiện HTX đã mở rộng diện tích được khoảng 50ha cây dẻ, với khoảng 8.000 cây trồng tập trung chủ yếu ở thôn Phiêng Dượng và thôn Nặm Làng, xã Đức Vân. Trong đó, khoảng 10ha dẻ đã cho thu hoạch, sản lượng đạt 9,5 tạ/ha, giá bán buôn tại vườn là 100.000 đồng/kg.
Với những đóng góp của mình, bà Bàn Thị Ngân đã được các cấp từ tỉnh đến Trung ương vinh danh khen thưởng; là một trong những cá nhân điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được vinh danh trong chương trình “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2022” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức tối 30/10/2022.
"Được khen đấy là niềm vinh dự, là động lực rất lớn để mình làm tốt hơn nữa, mình phải làm như thế nào để không phụ sự công nhận của Nhà nước, cho xứng đáng với những danh hiệu mà mình đã được nhận"- bà Bàn Thị Ngân chia sẻ.../. (còn nữa)