Nhà thơ Nông Quốc Chấn – Cánh chim đầu đàn của văn học dân tộc thiểu số

tit.jpg
2e.jpg

Cố nhà thơ Nông Quốc Chấn được xem là cánh chim đầu đàn của những người cầm bút các dân tộc thiểu số. Ông đã để lại tác phẩm trên nhiều lĩnh vực như thơ, phê bình, tiểu luận. Ông cũng là một trong số ít người dịch thơ văn từ tiếng Việt sang tiếng dân tộc thiểu số. Bên cạnh những thành tựu về văn chương, nhà thơ Nông Quốc Chấn còn được biết đến trong vai trò lãnh đạo công tác văn hóa, văn nghệ của Đảng và xây dựng nền văn hóa, văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số. Sự đóng góp của ông mang tính kiến tạo, mở mang và gìn giữ tinh hoa, bản sắc văn hóa của các dân tộc.

cay-da-co-thu-va-mot-goc-thon-hoang-phai-xa-coc-dan-hom-nay.jpg
Xã Cốc Đán (Ngân Sơn)- quê hương nhà thơ Nông Quốc Chấn.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê miền núi thuộc xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn, nhà thơ Nông Quốc Chấn đã thấu hiểu được những thiệt thòi, sự nghèo nàn, lạc hậu của đồng bào các dân tộc dưới chế độ áp bức bóc lột của phong kiến và thực dân Pháp xâm lược. Vì vậy, trên bước đường đi theo cách mạng, ông đã tích cực phấn đấu đem lại ánh sáng cách mạng, ánh sáng của thời đại mới cho các dân tộc anh em.

gia-dinh-nha-tho-nqc.jpg
Ảnh: Gia đình nhà thơ cung cấp.

Với vai trò lãnh đạo từ cấp cơ sở đến tỉnh, khu, bộ, ngành Trung ương, trong suốt thời gian hơn 50 năm công tác, nhà thơ Nông Quốc Chấn luôn làm nhiệm vụ tiên phong, là người mở đường, khởi xướng và đưa ra những chiến lược, sách lược về văn hóa, văn nghệ cho phù hợp với mục tiêu, đường lối của Đảng, đáp ứng yêu cầu, lợi ích của các dân tộc. Những kết quả mà ông đã đạt được thể hiện trên nhiều lĩnh vực.

Trong dòng chảy thơ dân tộc thiểu số, Nông Quốc Chấn (1923-2002) là một tên tuổi có đóng góp ngay ở chặng đầu tiên. Ở thời kỳ đầu (giai đoạn trước 1945), khi thơ dân tộc thiểu số chưa có nhiều thành tựu, Nông Quốc Chấn là một trong những tác giả người dân tộc thiểu số đầu tiên có sáng tác thơ ca. Không chỉ sáng tác bằng tiếng Việt, ông còn sáng tác bằng tiếng Tày. Cùng với Nông Minh Châu, Nông Viết Toại, Bàn Tài Đoàn, Nông Quốc Chấn đã góp phần khẳng định tiếng nói của người dân tộc thiểu số trong công cuộc đấu tranh cách mạng, phản ánh hiện thực gian khổ thời kỳ chiến tranh ở miền núi Việt Nam.

nqc.jpg
Nhà thơ Nông Quốc Chấn (thứ 3 từ phải sang), Trưởng Ty Thông tin Bắc Kạn (ảnh chụp tại thị xã Bắc Kạn năm 1949). Ảnh tư liệu

Trong hoạt động công tác của mình ông là người luôn gắn bó với thực tiễn, am hiểu và có tầm nhìn xa, trông rộng. Ông đã có những định hướng rất đúng đắn cho sự phát triển văn hóa văn nghệ các dân tộc thiểu số Việt Nam đi từ cái nền của cội nguồn truyền thống đến hiện đại, ông đã có công lớn trong việc tạo dựng một “mái nhà chung” cho những người làm công tác văn hóa dân tộc thiểu số. Ông đã có những đóng góp tiêu biểu trên một số lĩnh vực về phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Bên cạnh việc sáng tác, nhà thơ Nông Quốc Chấn còn đặt lời bằng tiếng Tày cho một số ca khúc phong trào cách mạng và dịch sang lời Tày một số bài hát về phong trào cách mạng nhằm tuyên truyền, cổ vũ nhân dân lòng yêu nước và tinh thần cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng dân tộc của đất nước ta, thế kỷ XX. Cùng với đó ông cũng là người viết nhiều cuốn sách mang tính lý luận phê bình về phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật, nhất là văn hóa văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới…

tit-phu-2.jpg

Những năm kháng chiến chống Pháp, một số bộ của Chính phủ và cơ quan thông tấn báo chí lớn như các tờ báo: Toàn dân kháng chiến, Cứu quốc, Nha thông tin, Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam… đặt trụ sở tại Bắc Kạn, đã trực tiếp cổ động cho các lực lượng văn hóa, văn học nghệ thuật các dân tộc ở địa phương sẵn sàng bước vào kháng chiến.

to-hoai-1124.jpg

Nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng một thời kháng chiến, kiến quốc đã có mặt tại Bắc Kạn như Tô Hoài, Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, họa sĩ Trần Đình Thọ, nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Đinh Ngọc Liên, Nguyễn Xuân Khoát, Văn Chung, Phạm Tuyên, Trần Hoàn, Đặng An Nguyên… Họ đã sáng tạo những tác phẩm văn học nghệ thuật sống mãi với thời gian.

voi-che-lan-vien.jpg
Nhà thơ Nông Quốc Chấn (ngoài cùng bên trái) cùng các nhà thơ Chế Lan Viên, Tế Hanh, Hoàng Trung Thông. Ảnh: Tư liệu

Sau ngày 10/7/1947, giặc Pháp nhảy dù tạm chiếm Bắc Kạn, các cơ quan của Đảng, chính quyền, mặt trận chuyển từ xã Đào Lâm lên đóng ở xung quanh núi Phja Bjoóc- tức núi Cứu Quốc và vùng hồ Ba Bể.

nong-quoc-chan.jpg

Toà soạn báo Cứu Quốc Việt Bắc dọn từ Vi Hương (Bạch Thông) lên Khuổi Sliến, Bản Hậu, Píc Cáy, Vằng Kheo. Nhiều sáng tác nổi tiếng được viết tại Phja Bjoóc như Nhật ký ở rừng, Đôi mắt của nhà văn Nam Cao…

Đặc biệt dưới ánh sáng văn hóa soi đường, bản trường ca tiếng Tày Việt Bắc tức slấn- Việt Bắc đánh giặc dài 1.000 câu của nhà thơ Nông Quốc Chấn được dịch ra tiếng Việt được đánh giá cao; nhà văn Tô Hoài giới thiệu trên nguyệt san Cứu Quốc. Chương “Bộ đội Ông Cụ” trong trường ca này được chọn in trong Tuyển tập thơ văn cách mạng và kháng chiến do Hội Văn nghệ Việt Nam xuất bản năm 1949.

Tháng 7/1951, trên đường đi dự Đại hội Liên hoan Thanh niên - Sinh viên thế giới lần thứ 2, tại thủ đô Béclin - Cộng hòa dân chủ Đức, nhà thơ Nông Quốc Chấn được đoàn đại biểu phân công chọn dịch bài thơ “Dọn về làng” từ tiếng Tày ra chữ quốc ngữ, nhà thơ Nguyễn Đình Thi dịch ra tiếng Pháp, đưa dự thi. Bài thơ được trao giải Nhì của Ban Giám khảo, đây chính là giá trị văn học kháng chiến của Nhân dân.

don-ve-lang.jpg

Cố nhà thơ Nông Quốc Chấn - người con của núi rừng Bắc Kạn, ông cũng là người dân tộc thiểu số đầu tiên trên cả nước vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Ông có rất nhiều sáng tác viết về Bắc Kạn bằng tiếng Tày được đánh giá cao về giá trị nghệ thuật.

dai-hoi-toan-quoc.jpg
Tổng Bí thư Đỗ Mười cùng các đại biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Văn hóa - Văn nghệ các DTTS Việt Nam lần thứ II tháng 12/1997 (nhà thơ Nông Quốc Chấn hàng đầu thứ hai từ phải sang). Ảnh: Gia đình nhà thơ cung cấp.

Chính sự ra đời và trưởng thành của văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam góp phần làm phong phú, độc đáo thêm nền văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, góp phần tôn vinh nền văn hóa Việt Nam xã hội chủ nghĩa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong thống nhất mà đa dạng.

but-tich.jpg
Bút tích của nhà thơ Nông Quốc chấn.
but-tich-nqc.jpg
Bút tích của nhà thơ Nông Quốc chấn về "Bài thơ Pác Bó" bằng tiếng Tày.

Cả cuộc đời hoạt động vừa bền bỉ, vừa sôi nổi, ông đã dành không biết bao tâm lực, tài năng và cả sự nhạy bén cho việc xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số và miền núi. Ông quan tâm theo dõi các sáng tác, các hoạt động sưu tầm nghiên cứu. Hầu hết các văn nghệ sĩ thành danh người dân tộc thiểu số dù là Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên, Trung Trung bộ hoặc Nam Bộ đều nhận được ở ông sự động viên khích lệ, lời góp ý sâu sắc và chí tình, chí nghĩa. Làm thế nào để văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số sáng tác được tác phẩm lớn hơn, hay hơn, độc đáo và mang đậm nét dân tộc hơn?

mai-lieu.jpg
tit-phu-3.jpg

Chỉ sau 6 tháng tái lập tỉnh, ngày 16 tháng 6 năm 1997, Tỉnh ủy lâm thời Bắc Kạn đã ra Quyết định về việc thành lập Hội VHNT Bắc Kạn và chỉ định Ban Chấp hành lâm thời do nhà thơ Triệu Kim Văn làm Chủ tịch, nhà văn Nông Viết Toại làm Phó Chủ tịch. Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Kạn ra đời là niềm vui, niềm mong mỏi của đội ngũ văn nghệ sĩ trong tỉnh, cũng là niềm vui của người dân Bắc Kạn, vùng đất hiền hòa, con người bình dị chân chất nhưng luôn yêu thích và quan tâm tới văn học nghệ thuật.

dai-hoi-bk.jpg
Nhà thơ Nông Quốc Chấn (hàng đầu, thứ 5 từ phải sang) tại Đại hội Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Kạn lần thứ nhất tháng 4 năm 2000.

Đại hội lần thứ Nhất, Hội VHNT tỉnh Bắc Kạn đã được tổ chức vào các ngày 19 – 20 tháng 4 năm 2000. Tại Đại hội lần đầu tiên này, nhà thơ Nông Quốc Chấn với tư cách là Phó Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội VHNT các DTTS Việt Nam đã đến dự và phát biểu chỉ đạo đại hội. Trong bài phát biểu Nhà thơ tự hào nói về các dân tộc anh em Bắc Kạn cùng chung sống trên một vùng đất có Phja Bjoóc – núi Hoa, có Phủ Thông – đèo Giàng, đèo Gió, có hồ Ba Bể, sông Năng, sông Cầu. Những con người và rừng núi, sông suối đã sáng tạo ra vùng văn hóa, văn học nghệ thuật đa dạng, giàu bản sắc.

Ông Ma Đình Việt, Ủy viên BCH Hội Văn học nghệ thuật Tỉnh Bắc Kạn khóa I kể lại: “Nói về con người Bắc Kạn, nhà thơ Nông Quốc Chấn viết: Những con người Bắc Kạn vẫn khiêm tốn tự nhận quê hương mình chưa giàu có về tiền của, song tự hào về lòng yêu nước, về truyền thống đoàn kết, bình đẳng, tương trợ trong quá trình đấu tranh giữ nước, dựng nước”. Ông cũng tự hào nói về quê hương “Bắc Kạn một vùng rừng núi, suối sông trong khu căn cứ địa cách mạng, kháng chiến của cả nước Việt Nam”. Mảnh đất nơi đây với những tên làng, tên núi, tên sông đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc trong thời kỳ Cách mạng Tháng Tám, trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược”.

voi-dai-tuong-vng.jpg
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà thơ Nông Quốc Chấn .

Nhà thơ Nông Quốc Chấn viết: “Những hình ảnh bộ đội Ông Cụ - tức Cụ Hồ, đồng chí Văn – tức Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy lực lượng cách mạng tiến từ đất Nguyên Bình – Cao Bằng vượt Khau Giảng tỏa về các huyện Ngân Sơn, Chợ Rã, Chợ Đồn, Na Rì, Bạch Thông, tầng tầng lớp lớp người vùng lên như ngọn sóng… Những hình ảnh ấy đã được ghi thành nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật của tỉnh Bắc Kạn. Những bài hát, bài thơ, trang văn, tấm ảnh, bức tranh ca ngợi tính cách chất phác mà dũng cảm của con người các dân tộc Bắc Kạn đã được hòa hợp vào bản hòa tấu Việt Nam. Những dòng suối văn nghệ không ngừng róc rách”.

bo-doi-ong-cu.jpg

Chính từ cội nguồn cách mạng, Bắc Kạn tự hào là nơi sinh ra nhiều tác giả, tác phẩm nổi tiếng trong thời kỳ kháng chiến. Nhà văn Tô Hoài viết truyện “Chú bé Hoa Sơn”, “Núi Cứu Quốc”; nhà văn Nam Cao viết “Nhật ký ở rừng”; nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên sáng tác ca khúc “Chiến thắng Phủ Thông”; nhà thơ Nông Quốc Chấn viết trường ca “Việt Bắc đánh giặc” bằng tiếng Tày. Bắc Kạn cũng tự hào là tỉnh sớm được giải phóng, cũng là nơi sớm thành lập Hội Văn hóa các dân tộc và từ đó đã xuất hiện đội ngũ những người làm công tác văn nghệ các dân tộc trong tỉnh.

Đã có 3 học sinh tốt nghiệp Trường Văn nghệ Việt Nam trở về gồm: Hoàng Hóa, Dương Văn Đình, Minh Thông, tiếp đó là các cây bút Nông Minh Châu, Nông Viết Toại (viết văn xuôi), Bế Sĩ Uông (viết kịch)…

dem-tho-nqc.jpg
Đêm thơ - nhạc "Cánh chim Việt Bắc", kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà thơ Nông Quốc Chấn (18/11/1923-18/11/2023).

“Bắc Kạn, một vùng đất có văn hóa, có lực lượng văn nghệ dân gian, văn nghệ hiện đại. Hội VHNT Bắc Kạn có căn cứ để phát huy truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Như các dòng suối dòng sông, văn nghệ các dân tộc không bao giờ ngừng chảy", trích bài phát biểu của nhà thơ Nông Quốc Chấn tại Đại hội lần thứ nhất, Hội VHNT tỉnh Bắc Kạn.

Ông đề nghị Hội VHNT tỉnh hãy tiếp tục phát huy truyền thống văn hóa văn nghệ của các dân tộc và chỉ ra một số nhiệm vụ trước mắt. Đó là: Có kế hoạch sưu tầm vốn văn nghệ cách mạng, kháng chiến của các dân tộc Bắc Kạn. Tổ chức cho hội viên có điều kiện học tập, nghiên cứu, sáng tác, sưu tầm, nhanh chóng hình thành đội ngũ văn nghệ sĩ các dân tộc Bắc Kạn. Tạp chí văn nghệ của Hội cần được nâng cao chất lượng và phát hành rộng nữa. Bên cạnh tiếng Việt – chữ quốc ngữ, Tạp chí cố gắng in một số bài song ngữ Việt – Tày, Nùng hay Việt - Dao. Hội VHNT là tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, cần kiện toàn tổ chức hoạt động cho đúng tầm thời đại…

nho-3862.jpg

Dù ông đã đi xa hơn 20 năm, nhưng để lại tiếng thơm, di sản về văn hóa và thơ cho đời nay. Là tấm gương sáng về tinh thần lao động hăng say, quên mình trong mọi hoàn cảnh. Nhà thơ Nông Quốc Chấn mãi là niềm tự hào của cộng đồng dân tộc Tày và người dân Bắc Kạn ngày hôm nay và mãi mãi mai sau. Tên của ông được đặt cho một con đường thuộc phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn.

do-muoi.jpg
trich-ngang.jpg
giai-thuong.jpg
nguyen-khoa-diem.jpg
to-huu-9802.jpg
nong-quoc-binh.jpg
nong-quoc-thanh.jpg
pham-duy-hung-609.jpg
nong-van-nhung-9178.jpg
nong-viet-toai.jpg

Xem thêm