Người giữ hồn nghề làm nỏ ở Tân Sơn

BBK - Ông Phùng Ngọc Hòa, thôn Khuổi Đeng 2, xã Tân Sơn (Chợ Mới), được bà con trìu mến gọi là “Hai nỏ” bởi niềm đam mê và tâm huyết gìn giữ nghề làm nỏ truyền thống, vừa tạo thu nhập ổn định, vừa bảo tồn môn thể thao cổ truyền dân tộc.

hoan-chinh.jpg
Cánh nỏ được làm từ gỗ cây mạy slặc. (ảnh: Ngọc Kỷ)

Sinh ra và lớn lên trong gia đình dân tộc Dao, có truyền thống làm nỏ nên ngay từ khi 15 tuổi ông Phùng Ngọc Hòa đã biết chế tạo nỏ. Ông Hòa chia sẻ: “Ban đầu, tôi chỉ làm nỏ để phục vụ nhu cầu cá nhân, nhưng sau khi tham gia Đại hội Thể dục Thể thao tỉnh Bắc Kạn năm 1997, được nhiều người quan tâm đến sản phẩm của mình. Từ đó, tôi quyết định biến niềm đam mê thành nghề, góp phần gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc”.

Đến nay ông Hòa đã có gần 50 năm chế tác nỏ. Ông cho biết, mỗi chiếc nỏ hoàn chỉnh có 5 bộ phận chính bao gồm thân nỏ, cánh nỏ, lẫy nỏ (cò), dây nỏ và mũi tên. Để làm được một cây nỏ tốt, trước hết phải lựa chọn kỹ nguyên liệu.

Quy trình làm một chiếc nỏ hoàn chỉnh.

Với bộ phận cánh nỏ, ông Hòa lựa chọn và sử dụng một loại gỗ quý trên rừng có tên gọi theo tiếng dân tộc Tày là “mạy slặc”. Đây là loại gỗ duy nhất đủ tiêu chuẩn, vừa cứng vừa dẻo. Cánh nỏ có chiều dài khoảng 101 đến 105cm, độ dày phải đồng đều mới có độ xạ lực cao. Hai cánh nỏ được tạo thêm 2 nấc dùng để buộc dây. Theo ông Hòa đây là công đoạn khó nhất, đòi hỏi sự tỉ mỉ cao.

Trong khi nhiều người thợ thủ công lựa chọn cây tre, luồng để làm cánh nỏ, ông Hòa lại có sự khác biệt khi sử dụng cây "mạy slặc", một loại gỗ cứng cáp và bền bỉ. Ông giải thích, loại gỗ này có độ cứng và đàn hồi cao, đòi hỏi người bắn phải có kỹ thuật tốt mới có thể sử dụng hiệu quả. Điều này khiến cho việc bắn nỏ trở nên thú vị và đầy thử thách hơn.

Phần thân nỏ làm bằng gỗ nghiến, được chế tác đơn giản hơn. Sau khi đẽo xong, ông Hòa tạo một đường rãnh để tra mũi tên và đục lỗ làm lẫy nỏ (cò), rồi dùng dao cạo nhẵn.

than.jpg
Cần chọn đoạn gỗ không có mắt, thẳng thớ, không sâu mọt để làm thân nỏ. (ảnh: Hồng Anh)

Ông Hòa cho biết thêm: “Theo kinh nghiệm của tôi, nếu dùng "mạy slặc" làm cánh nỏ, thì thân nỏ bắt buộc phải làm bằng gỗ nghiến. Đây là một quy tắc truyền miệng từ đời này sang đời khác, chưa ai lý giải được lý do chính xác”.

Trước đây, mỗi khi làm nỏ ông Hòa phải lên Cao Bằng tìm mua cây gai làm dây nỏ. Để không phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu bên ngoài, ông đã tìm mua giống về trồng. Cây gai trồng sau khoảng 2 năm sẽ cho thu hoạch. Ông Hòa chọn những cây gai có đủ độ già nhất định, sau đó tước thành sợi rồi đem phơi khô và bện lại tạo thành dây nỏ. Cây non quá sẽ cho sợi gai quá mỏng, nhưng cũng không được già quá sẽ khiến dây nỏ hay đứt.

ben-soi-may.jpg
Sợi gai sau khi phơi khô được bện lại với nhau tạo thành dây nỏ. (ảnh: Hồng Anh)

Mũi tên được làm từ cây nứa với chiều dài khoảng 40cm. Những mũi tên được ông Hòa thiết kế có gắn vật liệu cánh ở phần đuôi để tăng độ chính xác. Mỗi mũi tên được bán với giá 4.000 đồng, rất phù hợp cho những người yêu thích bộ môn bắn nỏ. Một chiếc nỏ thành phẩm còn cần có thời gian nhất định để căng, chỉnh sửa trực tiếp sao cho cánh cung được cân, đều, giúp mũi tên được bắn ra chính xác nhất có thể.

Những chiếc nỏ đầu tiên được bán từ năm 2000 do khách tìm đến trực tiếp để đặt hàng với ông Hòa. “Tiếng lành đồn xa”, lượng khách hàng đến mua nỏ ngày càng nhiều, mở rộng ra phạm vi các tỉnh: Hải Phòng, Bắc Ninh… Trung bình vào thời điểm đắt khách, mỗi năm ông bán được hơn 50 chiếc nỏ, với giá bán dao động từ 300.000 đến 500.000 đồng/chiếc.

Đặc biệt, những chiếc nỏ do ông Hòa chế tác được các vận động viên sử dụng trong bộ môn bắn nỏ tại Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số huyện Chợ Mới. Để tránh việc sử dụng nỏ vào mục đích săn bắn trái phép, ông chỉ bán nỏ cho những người được Phòng Văn hóa và Thông tin hoặc lãnh đạo của địa phương giới thiệu.

Mong mỏi của ông Hòa về việc phục hồi và phát triển nghề làm nỏ.

Ngoài làm nỏ, trước đây ông Hòa còn tham gia và đạt nhiều giải cao tại giải thi đấu bắn nỏ các cấp. Sau đó, ông không còn trực tiếp tham gia thi đấu mà lui lại phía sau để nhường bước cho thế hệ trẻ.

Do nhiều yếu tố khách quan, nghề làm nỏ truyền thống đang dần mai một. Trước thực tế đó, ông Hòa mong muốn địa phương có những chính sách hỗ trợ thiết thực như thành lập câu lạc bộ, mở các lớp truyền dạy… để nghề làm nỏ có cơ hội được phục hồi và phát triển./.

Xem thêm