Cùng với bánh chưng, bánh khảo là một loại bánh không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán, là hương vị Tết của các dân tộc Tày, Nùng ở Na Rì, là lễ vật truyền thống để cúng gia tiên. Đồng thời cũng là vật phẩm để vợ chồng mới cưới ngày đầu năm về thăm bên ngoại hay dùng làm quà biếu khách và gửi cho những người con xa quê.
Bà Hoàng Thị Nương, dân tộc Nùng ở tổ nhân dân phố B, thị trấn Yến Lạc là người có nhiều năm làm bánh khảo bán cho biết: "Bánh được làm nhiều nhất vào dịp Tết. Để có được chiếc bánh khảo ngon quan trọng nhất là chọn được gạo nếp thơm ngon và đường phên - loại đường làm từ mật mía. Sau khi chuẩn bị xong bột và nhân bánh, sẽ tiến hành nén bánh, gỡ bánh ra khỏi khuôn để một lúc rồi gói lại bằng giấy vàng, xanh, đỏ..."
Bánh khảo hay được dùng làm quà biếu khách và gửi cho những người con xa quê. |
Bánh khảo ở Na Rì có vị thơm của bột nếp, vị bùi của vừng, lạc, vị ngậy của mỡ lợn, vị ngọt thanh của đường. Tất cả hòa quyện với nhau thơm ngon, đậm đà không thể nào quên.
Bà Nguyễn Thị Thái, tổ nhân dân phố B, thị trấn Yến Lạc chia sẻ: "Ngày xưa, đến Tết mới làm bánh khảo, nhưng bây giờ bánh này trở thành quà biếu, họ đi chơi, đi du lịch mua làm quà biếu bạn bè, người thân nên bánh được làm bán quanh năm. Ngày Tết, trong nhà nhà người Tày, Nùng không thể thiếu bánh chưng, bánh khảo".
Vào phiên chợ 27 Tết, bánh khảo là món được nhiều người mua. |
Trước đây, bánh khảo thường chỉ được làm vào dịp Tết Nguyên đán. Ngày nay, do sự phát triển của xã hội cũng như nhu cầu của thực khách, bánh khảo được nhiều cơ sở sản xuất, bày bán quanh năm và trở thành một đặc sản của người dân Na Rì.
Huyện Na Rì còn được biết đến với món quẩy xoắn, ở khu phố cổ, thị trấn Yến Lạc. Từ xưa, món bánh quẩy của người dân nơi đây vẫn được khách hàng ưa chuộng.
Trong căn bếp ấm áp, bà Đặng Thị Thái ở tổ nhân dân phố B, thị trấn Yến Lạc cùng người cháu miệt mài làm bột, tạo hình cho những chiếc quẩy. Theo bà Thái, để làm được những chiếc quẩy vừa giòn, vừa thơm ngon thì phải chọn gạo ngon và chú ý khâu ngâm bột và sên đường.
Đôi bàn tay của bà Thái nhanh thoăn thoắt cắt những mẩu bột nhỏ, rồi lăn đều tay trên mặt phẳng. Bột được cán thành những đoạn nhỏ dài, sau đó khéo léo tạo thành hình xoắn. Phải rất khéo léo điều chỉnh đôi tay, nếu không sẽ rất dễ làm đứt đoạn bột.
Chị Bế Thị Sen, Tổ nhân dân phố B, thị trấn Yến Lạc cho biết: "Quẩy sau khi được tạo hình sẽ đem đi rán. Để rán quẩy giòn ngon thì cần lửa to, cho dầu sôi rồi thả từng chiếc quẩy vào. Khi đó phải đảo lật liên tục để quẩy được chín đều 2 mặt. Những chiếc quẩy thành phẩm có màu vàng cánh rán đẹp mắt, vị ngọt thanh của mật mía và cắn vào có cảm giác giòn tan trong miệng. Những chiếc quẩy được đóng gói và được bán 5.000 đồng/túi".
Nghề làm bánh quẩy xoắn đã trở thành nghề truyền thống của người dân ở tổ nhân dân phố B, được gìn giữ và phát triển từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Bánh khảo và quẩy xoắn được nhiều người mua mang về làm quà mỗi khi đến Na Rì. |
Bánh khảo, bánh quẩy xoắn và nhiều món ăn khác từ lâu đã trở thành những thức quà quê không thể thiếu trong mỗi chuyến đi của những người con xa xứ, tạo nét riêng cho nền ẩm thực địa phương để mỗi lần nhắc đến mọi người luôn nhớ về vùng đất Na Rì nơi hòa quyện của thiên nhiên và con người. Mỗi món ăn chứa đựng hương vị của đất trời, sự tỉ mẩn, khéo léo của người dân cần cù, mong muốn gìn giữ nghề truyền thống của quê hương./.