Tỷ lệ hút thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam vẫn ở mức cao

BBK - Với sự ủng hộ của Quốc hội, Chính phủ, sự hỗ trợ của Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, nỗ lực của Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương công tác phòng chống tác hại thuốc lá đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên Việt Nam vẫn là nước có tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều.

92d66d1286193b476208.jpg
Hút thuốc lá điện tử là thực trạng khá phổ biến trong giới trẻ trên thế giới và Việt Nam hiện nay. Từ năm 2025, tại Việt Nam sẽ cấm hoạt động sản xuất, kinh doanh vận chuyển và sử dụng các loại thuốc lá thế hệ mới này.

Theo số liệu của tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên thế giới có khoảng 942 triệu nam giới và 175 triệu nữ giới từ 15 tuổi trở lên sử dụng thuốc lá. Ở Mỹ, trong năm 2017 ước tính có 47,4 triệu người trưởng thành sử dụng thuốc lá dưới bất cứ dạng nào. Đông Á và Đông Nam Á là những khu vực có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất nhì trên thế giới. Tại Đông Á, gần một nửa số nam giới (≥ 10 tuổi) sử dụng thuốc lá (40 - 49,9%). Còn tại Đông Nam Á, điển hình cho tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao phải kể đến Indonesia (trên 50%). Tỷ lệ hút thuốc ở nam giới tại Nga (60%) cao nhất trong khu vực châu Âu, và tỷ lệ hút thuốc ở nữ giới là 21%.

Xu hướng sử dụng thuốc lá nói chung ở nam giới cao hơn nhiều so với nữ giới ở hầu hết các quốc gia khác nhau. Ở Mỹ, tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới (24,8%) cao hơn so với nữ giới (14,2%). Còn tại một số quốc gia khu vực Nam– Đông Nam Á, tỷ lệ này cao hơn nhiều. Cụ thể trong số nam giới, tỷ lệ hút thuốc cao nhất ở Indonesia (72,3%); Bangladesh (60%); Ấn Độ (34,1%); Nepal (33,6%) cao hơn nhiều so với nữ giới khi mà tỷ lệ cao nhất là ở Nepal cũng chỉ là 9,8% và thấp nhất ở Pakistan (4,02%). Tại Nhật Bản, tỷ lệ nam giới là 37% cũng cao hơn so với nữ giới (10%).

Tỷ lệ hút thuốc lá không chỉ khác biệt ở giới mà còn ở các nhóm tuổi khác nhau trong mỗi quốc gia. Ở Mỹ, tỷ lệ hút thuốc có xu hướng giảm theo tuổi tăng, giảm từ 25 tuổi đến trên 65 tuổi (25 – 44 tuổi là 22,5%; 45 – 64 tuổi là 21,3%; trên 65 tuổi là 11%). Ở một số quốc gia Đông Á, tỷ lệ hút thuốc lại có xu hướng tăng khi độ tuổi tăng.

Khi chia thành các nhóm tuổi, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới là trên 60% trong độ tuổi 50 – 59 tuổi ở Trung Quốc và 30 – 39 tuổi ở Hàn Quốc; nam giới trung niên ở 3 nước (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) đạt đến 70 – 80%. Còn tại một số nước thuộc Liên Bang Xô – Viết cũ, các nhóm tuổi trẻ nhất và già nhất có tỷ lệ không hút thuốc lá cao nhất (tỷ lệ này trong nhóm tuổi 18 – 29 tuổi thấp hơn so với nhóm 30 – 39 tuổi và 40 – 49 tuổi và có xu hướng giảm từ 50 tuổi trở đi).

Hút thuốc lá là hành vi rất phổ biến ở Việt Nam, mặc dù nhiều chính sách đã được ban hành và thực hiện trong hai thập kỷ qua. Năm 2010, tỷ lệ hút thuốc ở người trưởng thành trên 15 tuổi là 23,8%, với tỷ lệ ở nam giới (47,4%) cao hơn so với nữ giới (1,4%). Trung bình, những người hút thuốc hút 13,5 điếu thuốc mỗi ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ hút thuốc lá ở cả hai giới đều có xu hướng giảm nhẹ trong các năm trở lại đây.

Kết quả Điều tra GATS năm 2015 cho thấy, so với năm 2010, tỷ lệ hút thuốc (bao gồm cả thuốc lá có khói và không khói) ở cả nam và nữ có xu hướng giảm từ 23,8% đến 22,5%, trong đó tỷ lệ hút thuốc ở nam giới giảm từ 47,4% xuống 45,3%. Đối với sản phẩm thuốc lá điếu, tỷ lệ hút ở cả nam và nữ giảm từ 19,9% xuống 18,2%. Tại khu vực thành thị, tỷ lệ nam giới hút thuốc (bao gồm cả thuốc lá có khói và không khói) giảm từ 47,7% xuống 42,7%. Tỷ lệ hút thuốc lá điếu của cả nam và nữ ở khu vực thành thị giảm từ 22% xuống 18,8%.

Năm 2020, Quỹ PCTH của thuốc lá hỗ trợ cho 34 tỉnh/TP để thực hiện nghiên cứu thực trạng sử dụng thuốc lá và tình hình thực hiện Luật PCTH của thuốc lá (PGATS 2020). Theo kết quả cho thấy tỉ lệ hút thuốc chung là 21,7% (nam 42,3%, nữ 1,7%), giảm so với năm 2015 (chung 22,5%, nam 45,3%, nữ 1,1%) và nhận thức của cộng đồng về tác hại của hút thuốc lá và hút thuốc lá thụ động được cải thiện rõ rệt.

Năm 2022-2023, Quỹ PCTH thuốc lá tiếp tục phối hợp với Trường Đại học Y tế công cộng tiến hành khảo sát tại 30 tỉnh/thành phố còn lại. Kết quả nghiên cứu PGATS 2022-2023 cho thấy tỉ lệ hút thuốc lá chung ở cả 2 giới (20,2%), nam (38,9%), nữ (1,5%) tiếp tục giảm so với kết quả PGATS 2020.

Tại Bắc Kạn cuộc điều tra Thực trạng sử dụng thuốc lá (bao gồm cả hút thuốc lá thụ động) ở người từ 15 tuổi trở lên tại tỉnh Bắc Kạn năm 2024 kết quả cho thấy: Tỷ lệ hút thuốc lá ở mức trung bình của cả hai giới là 23,3%, tăng hơn so với năm 2020 là 18,8%. Nam có tỉ lệ hút thuốc hằng ngày là 30,9%, nữ 7,3%. Nhóm tuổi 45-64 có tỷ lệ hút thuốc hằng ngày cao nhất 17,4%, nhóm tuổi 15-24 có tỷ lệ hút thuốc thấp nhất: 7,5%.

Việc giảm tỉ lệ hút thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam trong các khảo sát gần đây cho thấy thành công bước đầu của công tác truyền thông về tác hại thuốc lá sau 10 năm thực thi Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, các điều tra cũng cho thấy, mặc dù có xu hướng giảm nhưng với tỷ lệ 38,9% nam giới hút thuốc thì Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ nam giới sử dụng thuốc lá cao trên thế giới cần có những giải pháp kéo giảm hơn nữa trong thời gian tới./.

Xem thêm