QUYẾT SÁCH MỞ ĐƯỜNG CHO SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP HÀNG HÓA BẮC KẠN:

Bài 3 - Chính sách tạo động lực cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa

BBK - Khoảng nửa thập kỷ gần đây, nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn đã có sự chuyển biến căn bản và rõ nét. Sự thay đổi đến từ tư duy sản xuất của nông hộ cho đến những đổi mới trong định hướng tổ chức sản xuất của các cấp quản lý, tạo nền móng vững chắc thúc đẩy nông nghiệp hàng hóa hình thành và phát triển.

Kinh tế hợp tác xã được xem là “bệ đỡ” của nông dân trong liên kết sản xuất với doanh nghiệp, nhằm giải quyết đầu ra, giảm chi phí đầu vào, nhất là nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản. Làn gió mới trong nông nghiệp của tỉnh thời gian qua chính là sự phát triển nhanh và từng bước hoạt động đi vào chiều sâu của các mô hình kinh tế tập thể. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 393 HTX với 3.781 thành viên, đa số là HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn đã dần thay đổi cách nghĩ, cách làm và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới để tăng năng suất, nâng cao giá trị sản phẩm nông sản đáp ứng nhu cầu thị trường. Rất nhiều HTX kiểu mới của tỉnh đã gây dấu ấn mới mẻ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, gắn sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thông qua việc đăng ký nhãn hiệu và quảng bá thương hiệu sản phẩm hàng hóa, đưa ra thị trường tỉnh ngoài.

Sản phẩm đặc hữu của tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng được thương hiệu, tiếp cận thị trường trong và ngoài nước.

Sản phẩm đặc hữu của tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng được thương hiệu, tiếp cận thị trường trong và ngoài nước.

Là đơn vị được thụ hưởng sự hỗ trợ từ Nghị quyết 08/2019/QĐ-HĐND, HTX Tài Hoan, xã Côn Minh (Na Rì) đã xây dựng thành công sản phẩm OCOP 5 sao. Đây cũng là HTX duy nhất của tỉnh có sản phẩm OCOP cấp quốc gia và xuất khẩu sang Cộng hòa Séc năm 2020.

Hiện nay, HTX Tài Hoan đã chủ động được vùng nguyên liệu 70ha, ký kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với 500 hộ dân. Thành công của HTX Tài Hoan là minh chứng cho thấy để phát triển sản xuất bền vững cần có sự liên kết chặt chẽ giữa cơ sở sản xuất và người dân để có được vùng nguyên liệu ổn định.

Bà Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc Hợp tác xã Tài Hoan (xã Côn Minh, huyện Na Rì)

Từ một nền kinh tế thuần nông, Bắc Kạn đã có sự đột phá khi dần hình thành sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm. Tỉnh đã quy hoạch được một số vùng sản xuất sản phẩm chủ lực tập trung, như: Vùng trồng lúa Bao thai ở huyện Chợ Đồn, lúa Khẩu Nua Lếch ở Ngân Sơn; trồng cây dong riềng phục vụ sản xuất chế biến miến dong ở các huyện Ba Bể, Na Rì; trồng cây ăn quả như cam, quýt, hồng không hạt ở các huyện Bạch Thông, Chợ Đồn, Ba Bể; trồng chè tại các huyện Chợ Mới, Chợ Đồn, Ba Bể; vùng trồng thuốc lá, hồi, bí xanh, nghệ... ở các huyện Ngân Sơn, Ba Bể, Chợ Mới, Pác Nặm.

Các địa phương cũng như các hộ nông dân, cơ sở sản xuất đã chuyển từ tư duy sản xuất nhỏ lẻ sang hướng sản xuất hàng hóa có sự hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị. 06 nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh được xác định và tạo cơ chế ưu tiên phát triển, thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất hàng hóa. Đây là kết quả bước đầu và cũng là tiền đề giúp khai phóng sản xuất nông nghiệp, mở ra cơ hội thúc đẩy phát triển chuỗi nông sản hàng hóa tại mỗi địa phương trong tỉnh.

Với việc triển khai Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (gọi tắt là OCOP), tỉnh Bắc Kạn từng bước thực hiện phát triển sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị, xây dựng các sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và định hướng cấp quốc gia. Đối với những sản phẩm chưa được định danh của mỗi địa phương thì tiêu chuẩn OCOP chính là điểm tựa giúp xây dựng thương hiệu, phát triển bền vững trên thị trường.

Các sản phẩm OCOP, nông sản đặc trưng của tỉnh Bắc Kạn được chú trọng giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại.

Các sản phẩm OCOP, nông sản đặc trưng của tỉnh Bắc Kạn được chú trọng giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại.

Ngay từ khi Bắc Kạn bắt tay vào làm OCOP, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Ơn (đại diện đơn vị tư vấn Chương trình OCOP Bắc Kạn) đã đánh giá: “Bắc Kạn khá thuận lợi khi thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm”, bởi tỉnh có nhiều nông sản đặc trưng có khả năng phát triển thành hàng hóa cạnh tranh trên thị trường. Cộng với nền tảng quan trọng về chủ trương, chính sách mà tỉnh đang thực hiện như: Ưu tiên các nhà đầu tư công nghệ cao để vừa phát triển nông nghiệp, nông thôn kết hợp với du lịch sinh thái… Đây là những điểm mạnh để tỉnh Bắc Kạn triển khai thành công Chương trình OCOP, góp phần gia tăng giá trị, gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh”.

Đến nay, tỉnh Bắc Kạn đã có 184 sản phẩm OCOP, trên 90 lượt sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, cấp khu vực và quốc gia. Các sản phẩm đều đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã, khẳng định được thương hiệu, nâng cao giá trị để tham gia thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.

Không ngừng nâng cao chất lượng sau khi được xếp hạng theo tiêu chuẩn OCOP, các sản phẩm tiêu biểu địa phương đang có đầy đủ các yếu tố cạnh tranh, từng bước vươn ra thị trường ngoài tỉnh. Điều này khẳng định hướng đi đúng đắn của tỉnh trong phát triển sản phẩm chủ lực theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với phát huy những thế mạnh của từng địa phương.

Nhất quán quan điểm phát triển bền vững ngành Nông nghiệp của Bắc Kạn theo hướng sản xuất hàng hóa, do vậy, các chính sách hỗ trợ của tỉnh đưa ra khá đầy đủ, từ hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng cường năng lực, tài chính, tín dụng, xúc tiến thương mại, đến trợ giúp pháp lý, tư vấn...

Vậy nhưng, các chính sách này đi vào cuộc sống lại chưa nhiều, số lượng HTX được hưởng lợi từ chính sách còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Đặc biệt là thiếu những cơ chế, chính sách mang tính đột phá để hỗ trợ thiết thực cho hợp tác xã. Rất nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn đều cho rằng khó tiếp cận chính sách ưu đãi về tín dụng, đất đai, đầu tư hạ tầng cơ sở, ứng dụng khoa học kỹ thuật.

Thực trạng khó mở rộng quy mô sản xuất với những khó khăn về nguồn vốn, đất đai, công nghệ kỹ thuật hiện đại… vẫn đang là “rào cản” lớn trong việc khai phóng nền nông nghiệp hàng hóa của Bắc Kạn. Ngành Nông nghiệp tỉnh vẫn đang phải đối mặt với những thách thức về bất ổn thị trường, tính cạnh tranh, thiếu các mặt hàng số lượng lớn hướng tới xuất khẩu.

Do vậy, trước những nhu cầu “tiếp lực” của các hợp tác xã, doanh nghiệp và các nông hộ, có lẽ cần cú hích đủ mạnh, hỗ trợ đúng và trúng đang là yêu cầu cấp thiết để tạo đà cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa của Bắc Kạn bứt phá./. (Còn nữa).

Xem thêm