Mùa quýt Đôn Phong

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Thời điểm này, người dân trên địa bàn xã Đôn Phong (Bạch Thông) đang tất bật vào mùa thu hoạch quýt. Năm nay, do thời tiết không thuận lợi, năng suất, chất lượng quả quýt giảm, các hộ trồng quýt bị thất thu đáng kể.

Cây quýt bén rễ đất Đôn Phong từ lâu và trở thành cây trồng mũi nhọn mang lại giá trị kinh tế cao cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã. Hiện, toàn xã có hơn 300 ha quýt, sản lượng trung bình mỗi vụ đạt hơn 1.000 tấn, đầu ra chủ yếu bán cho các thương lái trong và ngoài tỉnh. Cây quýt được trồng tập trung tại các thôn Nà Pán, Nà Lồm, Bản Vén, Bản Chiêng...

Có mặt tại vườn quýt gần 30 tuổi của gia đình ông Triệu Tuần Quang, người dân thôn Bản Chiêng, xã Đôn Phong. Ông Quang chia sẻ: ‘Gia đình tôi trồng hơn 4.000m2 quýt bản địa. Nhờ trồng quýt và chăn nuôi trâu, gia đình xây dựng được nhà cửa khang trang, con cái ăn học đủ đầy. Năm nay, do điều kiện thời tiết khô hạn, nắng nóng kéo dài đầu năm, cây đã có tuổi đời cao cho quả bé, nhiều quả bị hỏng rụng, nên sản lượng thu hoạch quýt giảm, ước tính hết vụ thu hoạch được khoảng 03 tấn, với giá bán đầu vụ trung bình từ 4.000 - 8.000 đồng/kg thu nhập khoảng hơn chục triệu đồng sau trừ chi phí”.

Không chỉ riêng gia đình ông Quang, nhiều hộ trồng quýt khác trên địa bàn xã cũng trong tình trạng tương tự. Anh Bàn Tiến Phương, người dân thôn Nà Lồm cho biết: “Toàn thôn có hơn 60 hộ dân, hầu như nhà nào cũng trồng quýt nhà ít vài chục gốc, nhà nhiều cũng có mấy ha vườn. Nhờ trồng quýt, nhiều hộ có thu nhập khá, vươn lên thoát nghèo. Đường lên thôn nay đã được bê tông hóa nên việc giao thương cũng trở nên thuận lợi hơn. Gia đình tôi có hơn 1ha quýt đều đã cho thu hoạch, đem lại thu nhập ổn định. Tuy nhiên, năm nay quýt ít quả hơn so với mọi năm. Như năm ngoái, vườn nhà tôi cho thu hoạch hơn 10 tấn quả, thu nhập hơn 50 triệu đồng thì năm nay giảm hơn nửa.”

Theo kinh nghiệm của các hộ trồng quýt, thường thì sau một năm được mùa, sản lượng quýt mùa sau sẽ sụt giảm; mùa quýt năm trước kéo dài, khiến cây hút nhiều chất dinh dưỡng, không kịp hồi sinh vào vụ mới. Cùng với đó, người dân chưa quan tâm, chú trọng khâu chăm sóc, bổ sung chất dinh dưỡng cho cây sau khi thu hoạch nên chất lượng quả chưa cao. Nhiều vườn quýt có tuổi đời sinh trưởng lâu năm, cây già cỗi lại ít được chăm sóc nên sức chống chịu với thời tiết cũng như sâu bệnh kém hơn, do vậy tỷ lệ đậu quả ít hơn, chất lượng mẫu mã quả cũng giảm.

Bà Phùng Thị Sim, Phó Chủ tịch UBND xã Đôn Phong cho biết: “Cây quýt năm nay cho sản lượng thấp, năng suất giảm gần nửa so với những năm trước. Hiện tại, những cây già cỗi mặc dù cho năng suất, chất lượng quả kém nhưng nhiều hộ dân vẫn để tận thu. Việc trồng mới không thực hiện được vì xã ít dư địa, chủ yếu là cải tạo, duy trì diện tích đã trồng. Hằng năm, địa phương vẫn tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân về quy trình trồng, phục hồi sau khi thu hoạch nhằm tăng cường kỹ thuật, cải tạo vườn quýt già cỗi”.

Năm 2012, cây quýt Bắc Kạn đã được cấp chỉ dẫn địa lý tại một số xã tại các huyện Bạch Thông, Chợ Đồn, Ba Bể; trong đó có xã Đôn Phong (Bạch Thông), góp phần bảo hộ thương hiệu, nâng cao giá trị cho quả quýt, tăng thu nhập ổn định cho người dân. Vì vậy, để bảo vệ vùng trồng quýt, mong các cấp, ngành chức năng của tỉnh và huyện tiếp tục quan tâm, có giải pháp bảo tồn giống quýt bản địa, xây dựng thương hiệu hàng hóa cho loại cây đặc sản này. Bên cạnh đó, người dân cần chủ động hơn trong áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng quả./.

Xem thêm