Chủ động các biện pháp giảm thiệt hại trên cây trồng do bão số 3

BBK -Tỉnh Bắc Kạn có trên 13.971ha lúa mùa, 4.684ha ngô, trên 1.500ha các loại rau màu. Diện tích lúa mùa nhiều nơi đang thời kỳ trỗ bông, ngô đã vun gốc. Với sức gió của bão số 3 giật từ cấp 12 - 17, mưa to xảy ra trên diện rộng, khả năng nguy cơ gãy đổ trên cây trồng rất cao.

cay 2.jpg
Nhiều khu vực ruộng trũng thấp, cần khơi thông tốt vị trí thoát nước để tránh ngập úng lâu ngày, ảnh hưởng đến cây trồng.

Do tác động của bão số 3, dự báo trên địa bàn tỉnh sẽ có mưa to, gây ra tình trạng ngập úng ở các vùng trũng thấp, lũ quét trên các sông suối nhỏ. Ngành Nông nghiệp đã có văn bản yêu cầu các địa phương cần chủ động biện pháp phòng, chống bão để hạn chế thấp nhất mọi thiệt hại.

Đối với các công trình thủy lợi, cần bố trí nhân lực, nguyên vật liệu đầy đủ đảm bảo chủ động vận hành kịp thời, tiêu thoát nước đệm tối đa trong hệ thống kênh mương, vùng trũng trước khi có mưa, bão. Trên cây lúa, chủ động tiêu cạn nước, giữ nông mặt ruộng, khơi thông dòng chảy trên các kênh mương, tôn cao bờ, đảm bảo tiêu nước nhanh gọn cho các vùng có nguy cơ ngập úng.

Với diện tích lúa đã bón phân (bón đón đòng cho lúa Bao thai), cần tôn cao bờ, cố định nước trong ruộng, không để nước chảy tràn qua ruộng để hạn chế thất thoát phân bón. Dự tính, dự đoán tình hình sâu bệnh hại, sau bão có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của sâu bệnh hại gây ra.

Với vùng rau màu, khuyến cáo nông dân thu hoạch kịp thời với diện tích đến thời kỳ thu hoạch để hạn chế thiệt hại, chủ động khơi thông, nạo vét mương máng, rãnh thoát nước trên ruộng rau màu mới gieo trồng, hoặc chưa đến thời kỳ thu hoạch, chuẩn bị hạt giống rau màu để sẵn sàng gieo trồng lại phòng mưa lớn gây khan hiếm nguồn cung rau.

Khẩn trương dựng những cây bị đổ ngã sau mưa bão, tháo cạn nước mặt ruộng, tạo điều kiện thông thoáng, hạn chế sâu bệnh hại phát sinh, phát triển, vệ sinh đồng ruộng, phun phân bón lá, các chế phẩm vi lượng… cho cây nhanh phục hồi. Khi đất khô ráo cần xới xáo phá váng, vun gốc kịp thời để tạo độ thoáng cho đất tránh bị nghẹt rễ và kết hợp bón bổ sung phân lân, NPK...

lua.jpg
Nhiều địa phương lúa đã thời kỳ trỗ bông, sức gió mạnh nên nguy cơ gãy đổ cây rất cao.

Đối với cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm, tập trung thu hoạch nhanh, gọn khi đã đủ tuổi thu hoạch, đồng thời chỉ đạo người dân tiến hành cắt, tỉa tán, dọn vệ sinh tạo thông thoáng cho vườn cây, cắt bỏ phần ngọn để hạn chế chiều cao của thân chính nhằm giảm thiểu việc tạo lực cản lớn khi gặp gió mạnh làm cây dễ bị gãy, đổ.

Chằng néo thân cây hoặc cành lớn theo 3 hướng để hạn chế đổ ngã. Sau bão, lũ, ngập úng cần khẩn trương đào mương để thoát nước, xới phá váng để rễ cây được thông thoáng và triển khai các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, bón phân để phục hồi vườn cây.

Sau bão, các địa phương cần khẩn trương rà soát các diện tích cây trồng bị thiệt hại để thực hiện các chính sách hỗ trợ theo quy định./.

Xem thêm