Những ngày này, chị Hoàng Thị Xuân, tổ dân phố Đèo Giàng, thị trấn Phủ Thông (Bạch Thông) đang tất bật chăm đàn gà để xuất bán đúng dịp Tết Nguyên đán, chuẩn bị sẵn sàng hàng hóa phục vụ khách hàng mua sắm dịp cuối năm. Chị Xuân chia sẻ: Với mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của gia đình gồm chăn nuôi, cửa hàng tạp hóa, vật tư nông nghiệp, thuốc thú y… thì cần có nguồn vốn để quay vòng thường xuyên. Bình quân gia đình nuôi 2 lứa gà, vịt/năm, mỗi lứa hơn trăm con; khi chưa xuất hiện dịch tả lợn châu Phi thì nuôi lợn quy mô hơn chục con/lứa. Vì vậy, thông qua tổ chức HND, gia đình được tiếp cận nguồn vốn vay giải quyết việc làm 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách, lãi suất ưu đãi. Từ số tiền này giúp gia đình có thêm vốn để đầu tư thức ăn chăn nuôi, nguồn hàng tạp hóa, quay vòng vốn. Qua đó, tự tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho gia đình.
Thực hiện vai trò cầu nối, Chi HND tổ dân phố Đèo Giàng đã nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ hơn 4 tỉ đồng, cho hơn 45 hội viên vay. Bà Hoàng Thị Yến, Chi hội trưởng Chi HND, Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn cho biết: Nguồn vốn vay ưu đãi có ý nghĩa rất lớn, đây là một trong những giải pháp quan trọng giúp gia đình hội viên có thêm động lực, vốn để phát triển kinh tế. Vì vậy, khi hội viên có nhu cầu, chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để hội viên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và thực hiện giám sát thường xuyên về sử dụng đúng mục đích.
Với lãi suất ưu đãi, việc giải ngân thuận tiện đã giúp hàng nghìn hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả, vươn lên thoát nghèo bền vững. Để phối hợp thực hiện tốt công tác nhận ủy thác vốn vay có hiệu quả, HND tỉnh chú trọng và thường xuyên quan tâm việc thành lập, củng cố, kiện toàn các tổ tiết kiệm và vay vốn. Các tổ tiết kiệm vay vốn đã xây dựng quy chế hoạt động, duy trì nền nếp sinh hoạt định kỳ, thực hiện công khai, dân chủ trong bình xét cho vay, tích cực đôn đốc các tổ viên sử dụng vốn đúng mục đích và trả nợ vốn vay đúng thời hạn quy định. Hiện nay, HND đang tín chấp cho hơn 12.000 hộ hội viên vay với tổng dư nợ trên 900 tỉ đồng thông qua 432 tổ tiết kiệm và vay vốn. Đối với các hộ được vay vốn, Hội thường xuyên kiểm tra, giám sát để nguồn vốn vay phát huy hiệu quả, sử dụng đúng mục đích, phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình và định hướng phát triển của địa phương.
Ông Cao Minh Hải, Chủ tịch HND tỉnh Bắc Kạn chia sẻ: Nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo điều kiện và động lực khích lệ hội viên nông dân mạnh dạn đầu tư, tích cực lao động sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp; thực hiện tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, góp phần tích cực làm cho số hộ nông dân khá, giàu tăng lên, số hộ nghèo giảm đáng kể. Với vai trò ủy thác, HND chủ động phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích.
Từ tiếp sức về nguồn vốn vay ưu đãi giúp hội viên phát triển kinh tế đã thúc đẩy phong trào thi đua “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong giai đoạn 2021 – 2024, đã có tổng số 44.892 lượt hộ đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG) các cấp, trong đó số hộ đạt 15.527 lượt hộ. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ hội viên nghèo; nếu năm 2021 số hộ hội viên nghèo là 14.933 chiếm 29,3% tthì đến năm 2023 số hộ hội viên nghèo giảm còn 13.879 chiếm 27,37%.
Tiếp tục phát huy vai trò “cầu nối”, là “bạn đồng hành” của hội viên nông dân trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, HND tỉnh phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội trong công tác ủy thác cho vay vốn; nắm bắt nhu cầu đảm bảo 100% hội viên hội nông dân được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi với phương châm “đúng đối tượng, đúng mục đích”; tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, giám sát sau khi cho vay, đảm bảo nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả; phối hợp tập huấn nâng cao năng lực, quản lý cho cán bộ Hội, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn; tập huấn khoa học kỹ thuật phù hợp với các chương trình cho vay.../.