Ngân Sơn là huyện vùng cao có khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi để giống lúa Khẩu Nua Lếch phát triển, chất lượng vượt trội hơn các địa phương khác. Vùng trồng giống lúa này chủ yếu tập trung ở các xã Thượng Quan, Thượng Ân, Cốc Đán...
Theo bà con nông dân địa phương, giống lúa này đã xuất hiện từ rất lâu, được người dân bảo quản và gieo cấy qua từng vụ. Tuy nhiên chỉ trồng ở các xã vùng cao của huyện thì hương vị, chất gạo mới có vị đặc trưng thơm, dẻo.
Đặc biệt giá trị kinh tế của giống lúa này cao hơn hẳn các loại giống khác và số lượng cũng không nhiều. Ngay sau khi thu hoạch hầu hết số lượng thóc, gạo Khẩu Nua Lếch đều được thu mua hết, bình quân giá gạo giống này từ 35.000 – 40.000 đồng/kg, thậm chí có thể lên đến 50.000 đồng/kg vào dịp cuối năm, dịp Tết Nguyên đán.
Năm 2024, huyện Ngân Sơn giao kế hoạch cho các xã gieo trồng khoảng 150ha giống Khẩu Nua Lếch. Qua tổng kết đánh giá, các địa phương đã gieo cấy được 170ha với sản lượng đạt trên 700 tấn lúa.
Nhằm duy trì, mở rộng diện tích Khẩu Nua Lếch mang lại hiệu quả kinh tế, năm 2024 huyện Ngân Sơn đã thực hiện mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm theo Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ. Mô hình thực hiện trong vụ mùa tại 02 xã Cốc Đán và Thượng Ân. Các hộ tham gia được hỗ trợ 100% phân bón hữu cơ (gồm phân bón Quế Lâm KH08 để bón lót, KH12 để bón thúc lần 1 và KH06 để bón thúc lần 2), chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật.
Hỗ trợ 100% chi phí cho các lớp tập huấn kỹ thuật, tổng kết, đánh giá mô hình; hỗ trợ theo dõi kỹ thuật trồng và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, xây dựng hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm và ghi chép sổ nhật ký sản xuất. Người dân tham gia mô hình đối ứng 100% về giống lúa Khẩu Nua Lếch và công lao động...
Sự liên kết giữa “4 nhà” đã và đang giúp người nông dân yên tâm sản xuất, từng bước chuyển đổi nhận thức sản xuất theo hướng hàng hóa, hình thành cách làm ăn hợp tác tự nguyện, cùng mục tiêu, tăng tinh thần đoàn kết cộng đồng, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống... Mô hình cải tạo, quy hoạch vùng trồng Khẩu Nua Lếch giúp tạo động lực để nông dân Ngân Sơn tiếp tục mở rộng diện tích, là tiền đề để thực hiện các mô hình sản xuất lúa hữu cơ vào những năm tiếp theo, nâng cao giá trị hạt gạo đặc sản, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.