PHIÊN CHỢ ĐƯA HÀNG VIỆT ĐẾN MIỀN NÚI:

Người dân vùng cao hào hứng mua hàng hoá tiêu chuẩn Việt

BBK - Phiên chợ đưa hàng Việt từ khu sản xuất đến miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc được triển khai tại tỉnh Bắc Kạn trong thời gian qua là hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng nhằm thúc đẩy sản xuất, kích cầu tiêu dùng, góp phần đưa hàng Việt đến với đồng bào dân tộc thiểu số.

phien-cho-vc-1.jpg
Phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi tại xã Cư Lễ, huyện Na Rì. (Ảnh: Quý Đôn)

Theo Sở Công thương Bắc Kạn, mục đích của chương trình là nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động. Đưa hàng Việt đến với đồng bào dân tộc thiểu số trên các địa bàn miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Bắc Kạn; người dân được tiếp cận, tiêu dùng những hàng hóa đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng do các doanh nghiệp trong nước sản xuất; xây dựng văn hóa tiêu dùng và tôn vinh thương hiệu hàng Việt Nam.

Đồng thời, gắn kết doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng trong nước với khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa; giúp doanh nghiệp nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của người dân để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh các mặt hàng phù hợp; tạo điều kiện tìm kiếm thị trường, mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm góp phần phát triển kinh tế địa phương, đảm bảo an sinh xã hội.

Năm nay đã ngoài 70 tuổi, nhưng đây là lần đầu tiên được trải nghiệm phiên chợ đưa hàng Việt từ khu sản xuất đến miền núi tại xã, bà Hoàng Thị Nhưng ở thôn Pò Rì, xã Cư Lễ (Na Rì) phấn khởi cho hay: “Biết tin có phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi được tổ chức tại trung tâm xã, nên tôi đã cùng một số người dân trong thôn đến chợ từ sớm để mua sắm. Tôi rất vui vì mua được những mặt hàng do Việt Nam sản xuất với giá cả phù hợp, chất lượng tốt từ các cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh”.

Đi cùng bà Nhưng, chị Dương Thị Bích, thôn Pò Rì, xã Cư Lễ chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi cùng bà con trong thôn ghé thăm phiên chợ hàng Việt và khá bất ngờ vì hàng hóa rất đa dạng mà giá cả phải chăng. Sau khi quan sát và mua sắm, tôi thấy hầu hết giá ở đây đều thấp hơn thị trường khoảng 15%. Hôm nay đi chợ, tôi đã mua được rất nhiều mặt hàng hải sản khô ưng ý đến từ tỉnh Thanh Hoá và một số chăn, gối, quần, áo thương hiệu Việt”.

phien-cho-vc-2.jpg
Nhiều người dân xã Cư Lễ (Na Rì) thấy hài lòng vì mua được những mặt hàng đảm bảo chất lượng tại Phiên chợ. (Ảnh: Quý Đôn)

Đưa hàng Việt từ khu sản xuất đến miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc là một trong những hoạt động được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công thương Bắc Kạn chú trọng triển khai thực hiện trong thời gian qua. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã tổ chức được 02 Phiên chợ tại xã Thuần Mang (Ngân Sơn) và Cư Lễ (Na Rì). Mỗi Phiên chợ được tổ chức khoảng 05 ngày, với 20 gian hàng của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Ông Quách Mạnh Thắng, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi là hoạt động có ý nghĩa rất lớn, vừa giúp người dân tiếp cận được các mặt hàng Việt Nam chất lượng cao, phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã, đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp với thu nhập của người dân địa phương. Từ đó, góp phần xây dựng văn hóa tiêu dùng và tôn vinh thương hiệu hàng Việt Nam”.

Bên cạnh đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, Phiên chợ còn tạo cơ hội tốt để doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, tiếp cận thị trường nông thôn nhiều tiềm năng, từ đó xây dựng mạng lưới, kênh phân phối, mở rộng thị trường, tạo dựng uy tín với người tiêu dùng.

Chị Vũ Thị Hoa, cơ sở kinh doanh các mặt hàng mắm, hải sản khô, đông lạnh đến từ huyện Tĩnh Gia (Thanh Hoá) bày tỏ: “Tham gia các Phiên chợ tổ chức trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, mục đích chính của cơ sở chúng tôi không phải là doanh thu từ hoạt động bán hàng, mà thông qua dịp này để quảng bá trực tiếp thương hiệu sản phẩm đến với đồng bào các dân tộc. Qua đó, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ lên miền núi, vùng sâu, vùng xa”.

Phiên chợ đưa hàng Việt từ khu sản xuất đến miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc đã và đang giúp nhiều người dân vùng cao được tiếp cận, tiêu dùng những hàng hóa đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng do các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Từ đó, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng hàng hóa, dịch vụ khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh./.

Xem thêm