Những gam màu sáng trong bức tranh công nghiệp

BBK - Nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn xác định công nghiệp là ngành kinh tế quan trọng, cần phải tập trung triển khai thực hiện. Theo đó, ngành Công thương đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển công nghiệp của cả giai đoạn mà tỉnh đã đề ra.

Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Feromangan 60.000 tấn năm của Công ty Cổ phần Phát triển công nghiệp Bắc Kạn.jpg
Hoạt động sản xuất tại Nhà máy luyện chì của Công ty TNHH Á - Âu, Chi nhánh Bắc Kạn.

Những gam màu sáng

Sau 03 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 12 tháng 8 năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XII) về phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, ngành công nghiệp tỉnh Bắc Kạn đã có vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập thêm 04 cụm công nghiệp (CCN), nâng tổng số CCN được thành lập lên 07 CCN với tổng diện tích là 234,9ha, trong đó có 01 CCN hoàn thành cơ bản hạ tầng kỹ thuật được nhà đầu tư thứ cấp thuê 100% diện tích đất công nghiệp để xây dựng nhà máy sản xuất gia công giầy, dép da xuất khẩu (CCN Huyền Tụng).

Công nghiệp chế biến nông, lâm sản đã hình thành được các sản phẩm có thể mạnh và phát triển tốt, điển hình như: Gỗ ván dán, ván sàn, sản phẩm đồ gỗ chi tiết dùng một lần, miến dong, curcumin nghệ, tinh bột nghệ, rượu trắng men lá… Trên địa bàn tỉnh hiện có 230 cơ sở chế biến gỗ và 10 nhà máy sản xuất, chế biến gỗ với năng lực sản xuất trên 300.000m3 sản phẩm/năm; 23 cơ sở sản xuất miến dong riềng với năng lực sản xuất trên 2.500 tấn miến/năm; 05 cơ sở sản xuất rượu quy mô công nghiệp và hơn 140 cơ sở sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, tổng công suất đăng ký trên 3,5 triệu lít/năm. Sản phẩm ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản từng bước được thị trường tin dùng, có một số sản phẩm xuất khẩu với giá trị gia tăng cao, tạo nhiều việc làm, thu nhập ổn định cho lao động địa phương.

Về công nghiệp khai khoáng và chế biến sâu hiện toàn tỉnh có 03 nhà máy sản xuất kim loại chì, kẽm với tổng công suất trên 16.500 tấn/năm đang hoạt động và 03 dự án chế biến sâu khoáng sản đang triển khai xây dựng, cơ bản hoàn thiện giai đoạn 1 và chạy thử với tổng công suất trên 50.000 tấn kim loại chì, kẽm/năm; 60.000 tấn feromangan/năm và sản xuất các sản phẩm phụ khác, như axit sunfuaric, gang đúc,... Đến nay có thể khẳng định, Bắc Kạn là địa phương có sản lượng sản xuất chì lớn nhất cả nước. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh đã thu hút đầu tư và phát triển 04 dự án nhà máy chế biến đá thạch anh với công suất trên 300.000 tấn/năm.

Đối với công nghiệp sản xuất, phân phối điện được đảm bảo, hệ thống lưới điện được cung cấp từ trạm biến áp 220kV Bắc Kạn với tổng dung lượng là 375MW, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 03 trạm biến áp 110kV với tổng dung lượng 115MW và 05 nhà máy thủy điện nhỏ với tổng công suất là 21,6MW. Điện lưới quốc gia đã cấp đến 100% xã, phường thị trấn thuộc 08 huyện, thành phố; tỷ lệ số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 98%.

Đồng chí Hà Sỹ Thắng, Giám đốc Sở Công thương Bắc Kạn chia sẻ: “Giai đoạn 2021-2023, tốc độ tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp đạt trên 10%/năm; góp phần tích cực cho phát triển toàn ngành kinh tế chung của tỉnh; đã sản xuất được hơn 47.000 tấn chì kim loại, 30.000 tấn tinh quặng chì, 80.000 tấn tinh quặng kẽm, 327.000 tấn tinh quặng sắt, 275.000m3 ván dán, 107.000m3 ván bóc, 10.000 tấn giấy bìa các loại, khoảng 5.000 tấn miến; tạo việc làm ổn định cho khoảng 19.000 lao động địa phương. Trong 6 tháng đầu năm 2024, ngành công nghiệp tăng trưởng 9,44%, cao hơn bình quân chung của cả nước (7,54%); dự báo ngành công nghiệp tăng trưởng khoảng trên 12% (cao nhất trong các ngành kinh tế của tỉnh)”.

Đóng góp cho nền kinh tế của tỉnh

Thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU, ngay từ đầu nhiệm kỳ với sự định hướng, quan tâm chỉ đạo của tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, các ngành về phát triển công nghiệp và đặc biệt sự nỗ lực, quyết tâm vượt qua sự khó khăn của các doanh nghiệp công nghiệp trong bối cảnh chung của tình hình kinh tế trong nước sau đại dịch Covid-19 và tình hình an ninh chính trị thế giới có nhiều biến động, phức tạp nhưng ngành công nghiệp tỉnh Bắc Kạn vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng cao, giai đoạn 2021-2023 tăng trên 10%/năm, riêng năm 2024 phấn đấu đạt trên 12% (cao nhất trong các ngành kinh tế của tỉnh).

Đoàn công tác cảu Sở Công thương nắm tình hình hoạt động sản xuất, chế biến tại Nhà máy luyện chì của Công ty TNHH kim loại.jpg
Đoàn công tác của Sở Công thương nắm tình hình hoạt động sản xuất, chế biến tại Nhà máy luyện chì của Công ty TNHH kim loại Á - Âu, Chi nhánh Bắc Kạn.

Điển hình ở một số lĩnh vực như: Chuyển dịch tích cực từ khai thác, chế biến sản xuất sản phẩm thô sang sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao; công nghiệp chế biến gắn liền với vùng nguyên liệu, từng bước tạo thành chuỗi sản xuất sản phẩm mà tỉnh có tiềm năng phát triển như sản xuất chì, kẽm kim loại gắn liền với cung cấp nguyên liệu từ hoạt động khai khoáng trên địa bàn tỉnh, một số địa phương lân cận và nhập khẩu; sản xuất miến dong gắn với vùng trồng dong riềng nguyên liệu đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP; sản xuất curcumin gắn với vùng trồng nghệ nguyên liệu; ngành công nghiệp chế biến gỗ đã từng bước hình thành và định hướng phát triển sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, như đồ gỗ chi tiết sử dụng một lần, ván sàn, ván dán…

Đồng bộ các giải pháp để đạt mức tăng trưởng cả nhiệm kỳ

Theo đồng chí Hà Sỹ Thắng, Giám đốc Sở Công thương: Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng ngành công nghiệp giai đoạn 2021-2025 bình quân 13%/năm, trong thời gian tới ngành Công thương sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp vừa mang tính chiến lược lâu dài, đó là bám sát định hướng, quan điểm mục tiêu và giải pháp về phát triển công nghiệp theo Nghị quyết số 16-NQ/TU; Kết luận số 270-KL/TU; Quyết định số 2083/QĐ-UBND.

Công nhân Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn hoạt động khai thác khoáng sản trong hầm lò.jpg
Công nhân Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn khai thác khoáng sản trong hầm lò.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Tập trung tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng, giải quyết các thủ tục hành chính liên quan để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các CNN sớm hoàn thiện các hạng mục thiết yếu hạ tầng kỹ thuật đủ điều kiện thu hút các dự án thứ cấp đến đầu tư. Đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản và thực phẩm.

Khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khai khoáng và doanh nghiệp chế biến sâu khoáng sản liên kết, liên danh cung cấp nguyên liệu, nhập khẩu nguyên liệu cho các dự án chế biến sâu khoáng sản đủ nguyên liệu sản xuất theo công suất thiết kế. Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ các cơ sở công nghiệp phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP nâng cao năng lực sản xuất, mẫu mã bao bì sản phẩm; xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm rộng rãi tại các thị trường tiềm năng trong và ngoài nước…/.

Xem thêm