Những giá trị từ rừng mang lại

BBK - Cơn bão số 3 (Yagi) vào tháng 9 vừa qua cùng các đợt thiên tai khác đã cho thấy rõ tầm quan trọng của thiên nhiên đối với cuộc sống con người, đặc biệt là vai trò to lớn của rừng.

la-phoi-xanh-4545-4100.png

Trong tháng 9, chúng ta đã chứng kiến sức tàn phá khủng khiếp của cơn bão số 3. Theo các chuyên gia nhận định đây là cơn bão mạnh nhất trong vòng 60 năm qua, để lại hậu quả rất lớn về người và tài sản. Hơn 300 người chết và mất tích, nhiều công trình cơ sở hạ tầng, nhà ở của người dân bị vùi lấp, phá hủy...

Tỉnh Bắc Kạn cũng là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hoàn lưu sau bão; sạt lở đất diễn ra với mức độ nghiêm trọng, nhiều nhà ở của người dân bị đổ sập, vùi lấp hoàn toàn, đường giao thông sạt lở nhiều vị trí với khối lượng đất, đá lớn. Trên địa bàn tỉnh, khoảng 30 điểm dân cư có nguy cơ sạt lở cao, nguy hiểm đến tính mạng của người dân sinh sống trong thời gian dài tại đây. Hiện khối lượng đất đá sạt lở tại các tuyến đường giao thông vẫn còn ngổn ngang, chưa thể xử lý hết.

rung-gia-7165-9382.jpg
Rừng đặc dụng ở Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ với diện tích trên 15.000ha, có vai trò rất lớn trong việc cân bằng sinh thái.

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra hậu quả do thiên tai gây ra như gia tăng biến đổi khí hậu, quy hoạch hạ tầng yếu kém, tình trạng san ủi lấy mặt bằng làm nhà cửa, các công trình dân sinh làm gia tăng thiên tai. Nghèo đói, suy thoái môi trường, khai thác, chặt phá rừng đầu nguồn khiến môi trường sống bị tổn thương. Khi rừng đầu nguồn bị tàn phá, sẽ mất khả năng điều tiết nước ở thượng nguồn, cộng hưởng với việc mưa lớn dài ngày sẽ làm cho cường độ nước dâng cao, lũ nhanh hơn. Đây là những nguyên nhân khiến mưa lũ, sạt lở ngày càng nghiêm trọng.

sua-10-6151-7.png

Theo tính toán của các nhà khoa học, các hàng cây với khoảng cách phù hợp sẽ cản được 30% tốc độ gió và có khả năng bảo vệ đất đai, giữ nước, ngăn xói lở, chống ô nhiễm nhưng khả năng bảo vệ của rừng cũng có hạn nên cần sự bảo vệ từ chính con người.

Hiện trạng rừng tỉnh ta gồm rừng tự nhiên và rừng trồng, ưu điểm của rừng tự nhiên có nhiều tầng tán, dây leo, lớp thực bì dày, bộ rễ ăn sâu dưới lòng đất, khi mưa lớn, nước sẽ thẩm thấu xuống lớp thực bì, vì vậy có tác dụng trong giữ nước, hạn chế tình trạng xói lở, sạt lở.

Còn đối với rừng trồng có bộ rễ nông, độ bám chắc của rễ không cao, khi gió to, mưa lớn dễ bật gốc, gẫy đổ, khả năng giữ nước, độ ẩm thấp hơn rừng tự nhiên.

Tỉnh Bắc Kạn có tỷ lệ rừng che phủ lớn nhất cả nước với hơn 73%, diện tích đất có rừng trên 374.000ha, trong đó rừng tự nhiên hơn 271.000ha, rừng trồng hơn 102.000ha. Đây là lợi thế rất lớn của tỉnh góp phần cân bằng sinh thái, bảo vệ con người trước những tác động xấu từ thiên tai.

Rừng không chỉ là lá phổi xanh của trái đất, cung cấp sự sống cho con người mà còn là bức tường thành, lá chắn tự nhiên vô cùng quan trọng che chở con người khỏi thiên tai, hiểm họa. Những đợt thiên tai, sạt lở lớn trong thời gian gần đây càng cho thấy ý nghĩa, tầm quan trọng trong việc bảo vệ rừng.

kim-hy-3398-8569.jpg

Nhận thức rõ tầm quan trọng của rừng đối với sự phát triển kinh tế- xã hội, đời sống con người, chống biến đổi khí hậu, tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo các địa phương tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết bằng hành động thiết thực, tăng cường tuần tra, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật xâm hại đến rừng, nhờ vậy so với cùng kỳ năm trước, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm 260 vụ./.

Xem thêm