Hội nghị có sự tham gia của Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững (VFCO), một số sở ngành, địa phương liên quan; lãnh đạo các phòng chuyên môn; các doanh nghiệp, HTX kinh doanh, chế biến, tiêu thụ lâm sản trên địa bàn.
Hội nghị nhằm đánh giá kết quả thực hiện xây dựng phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021-2030 và cấp chứng chỉ rừng; đánh giá diện tích rừng có khả năng, nhu cầu thực hiện cấp chứng chỉ rừng trên địa bàn tỉnh. Nghe phổ biến về ý nghĩa, mục đích của việc thực hiện quản lý rừng bền vững, cấp chứng chỉ rừng, quy định của tổ chức EUDR về việc tại sao không sản xuất trên đất đã bị phá rừng và suy thoái rừng.
Hiện nay, quy hoạch diện tích đất lâm nghiệp của tỉnh Bắc Kạn trên 405.000ha, trong đó, rừng đặc dụng 28.860ha, rừng phòng hộ 79.730ha, rừng sản xuất 296.680ha, tỷ lệ che phủ rừng năm 2023 là 73,38%.
Nhìn chung diện tích rừng tự nhiên được quản lý, bảo vệ tốt, diện tích rừng trồng được các doanh nghiệp, người dân quan tâm, phát triển. Xác định mục tiêu quản lý rừng bền vững là nhiệm vụ tất yếu, cấp thiết, tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng Dự án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng giai đoạn 2021-2030. Theo đó, đến nay đã có 5 đơn vị đang phối hợp với các huyện, thành phố tiến hành khảo sát, đánh giá thực hiện xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng. Cụ thể Chi nhánh Công ty TNHH Kẻ Gỗ Bắc Kạn đang khảo sát, đánh giá 2.000ha tại huyện Chợ Đồn; HTX An Thành đang xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ FSC rừng sản xuất là rừng trồng diện tích 6.000ha tại huyện Chợ Mới; Công ty Cổ phần Bình Minh HP đang thực hiện tại huyện Chợ Mới với diện tích 4.000ha...
Tỉnh Bắc Kạn cũng đánh giá về tiềm năng, diện tích rừng trồng có thể triển khai thực hiện phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng do các huyện, thành phố đề xuất là trên 51.000ha. Đánh giá về tiềm năng quỹ đất trống trồng rừng sản xuất cho thấy, một số loại cây như keo, mỡ... phát triển nhanh, phù hợp với điều kiện sinh trưởng, khí hậu đất đai của vùng.
Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ tình hình thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng hiện nay, bàn các giải pháp trong thời gian tới như: Cần có giải pháp để quản lý, kiểm soát nguồn gốc giống cây trồng khi tham gia trồng rừng bền vững; tuyên truyền sâu rộng để người dân nâng cao nhận thức, hiểu biết về chứng chỉ rừng bền vững, thay đổi tư duy, canh tác cây trồng lâm nghiệp...
Đây là hội nghị đầu tiên về chứng chỉ rừng bền vững do tỉnh Bắc Kạn tổ chức, là cơ hội để các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế hợp tác liên kết thực hiện cấp chứng chỉ rừng bền vững; đầu tư, bao tiêu sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, nhằm hỗ trợ và tạo mối liên kết ổn định, hài hòa lợi ích giữa các bên... qua đó hướng đến mục tiêu nâng cao giá trị rừng trồng, tạo sinh kế bền vững cho người dân./.