Cất bằng đại học để trồng mía

BBK - Khai thác quỹ đất sẵn có của gia đình, chàng trai trẻ Bế Lãng Việt, tổ 12, phường Phùng Chí Kiên (thành phố Bắc Kạn) đã xây dựng thành công vùng nguyên liệu mía, tạo việc làm và mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.

Trong cái nắng vàng hanh khô của sớm lạnh mùa đông, những cây mía cao vút, hàng lối thẳng tắp, chỉ nhìn mẫu mã thôi đã cảm nhận được sự tâm huyết, kỳ công của người trồng. Dẫn chúng tôi thăm vườn mía rộng gần 6.000m2, chàng trai trẻ Bế Lãng Việt, sinh năm 1991 chia sẻ: "Sau khi học xong đại học, tôi đi làm hợp đồng một năm nhưng không có cơ hội biên chế nên nghỉ. Sau đó đi làm công nhân, lái xe nhưng cuộc sống xa gia đình cũng khó khăn. Nhiều trăn trở, suy nghĩ nên tôi quyết định phát triển cây mía bởi thấy tiềm năng tiêu thụ trên địa bàn tỉnh khá phong phú".

dsc05820.jpg
Những hàng mía được làm giàn để chống đỡ, tránh bị đổ ảnh hưởng đến chất lượng, mẫu mã.
Nhờ trồng mía đã giúp gia đình anh Bế Lãng Việt có thu nhập ổn định.

Manh nha từ năm 2018 nhưng đến đầu năm 2022 anh Việt tập trung mở rộng diện tích mía. Hiện gia đình trồng hơn 1ha tại nhà và tại huyện Na Rì. Anh Việt lựa chọn trồng mía Thanh Hóa và Hòa Bình, đây là các giống phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương nên phát triển tốt. Mỗi loại mía có những ưu điểm khác nhau, với cây mía Hòa Bình cây to, cao, nhiều nước còn cây mía Thanh Hóa có độ ngọt sắc nhưng ít nước hơn; giá bán phụ thuộc từng loại, cây to hay nhỏ có giá dao động từ 7.000 – 15.000 đồng/cây và có khi bán theo cân.

Thường mùa lễ hội và mùa hè mía bán chạy, được giá hơn; mùa đông gia đình tập trung chăm sóc. Trồng mía có thể có nhiều nguồn thu, ngoài việc bán cây thì ngọn mía cũng bán được, lá mía dùng để chăn nuôi.

dsc05817.jpg
Để có mía bán liên tục và thuận lợi trong việc chăm sóc, tiêu thụ, anh Việt trồng theo cách luân canh.

Để nắm chắc kỹ thuật trồng mía, anh Việt tự nghiên cứu qua mạng, học hỏi từ những thương lái qua các chuyến đi nhập mía về bán và đúc kết kinh nghiệm sau nhiều năm trồng. Chàng thanh niên chia sẻ: Trồng mía không khó, một lần trồng có thể cho thu hoạch 2 - 4 năm mới phải trồng lại nhưng phải thường xuyên làm cỏ, vặt lá mía khô, chú ý đến thay đổi của thời tiết ảnh hưởng đến chất lượng cây mía để kịp thời khắc phục. Phân bón được sử dụng chủ yếu là phân chuồng đã ủ mục, vì vậy mía của gia đình luôn có mẫu mã đẹp và ngọt nước.

Trước khi trồng mía, ngọn mía phải được xử lí để đảm bảo sạch bệnh; đất được cày tơi, lên luống để có chỗ thoát nước và lót phân chuồng đã ủ. Khi cây mía mọc, khâu làm sạch cỏ rất quan trọng; cần bóc bỏ lá mía để hạn chế sâu bệnh, ra rễ trên thân, dóng và giúp cây mía phát triển, màu sắc đẹp hơn. Mỗi năm cần bón phân 02 lần cho mía để cây có đủ chất dinh dưỡng.

Lượng mía tiêu thụ mỗi ngày càng nhiều hơn nên năm 2021 anh Việt đầu tư mua xe tải để chủ động, dễ dàng vận chuyển đi giao, bán khắp nơi. Vườn mía của gia đình anh Việt hiện chủ yếu bán cho các hàng quán trên địa bàn thành phố Bắc Kạn.

Một số hình ảnh tại vườn mía của gia đình anh Bế Lãng Việt.

Với phương pháp trồng gối các lứa mía khác nhau nên gia đình anh Việt có mía bán liên tục. Chia sẻ về kế hoạch mở rộng diện tích trồng mía thời gian tới, anh chia sẻ: "Gia đình hết quỹ đất, không có nhân lực, nếu phát triển diện tích mà không chăm sóc được thì năng suất không cao. Vì vậy, trước mắt tôi tập trung chăm sóc diện tích đang có để nâng cao chất lượng, giúp mía ngọt, nhiều nước và mẫu mã đẹp, giá thành tăng".

dsc05808.jpg
Công việc thường xuyên chăm sóc cây mía chính là bóc lá già, héo.

Mỗi người có những lựa chọn nghề nghiệp khác nhau nhưng hướng gắn bó và từng bước làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của chàng trai trẻ Bế Lãng Việt đã thành công, tạo được việc làm cho bản thân, gia đình và ổn định về thu nhập. Đây cũng là một trong những gương sáng để thanh niên tham khảo. Đủ nhiệt huyết, đam mê, chịu khó thì thành công sẽ đến./.

Xem thêm