Những nhà nông thời 4.0

Những nhà nông thời 4.0

BBK - Nắm bắt xu thế thời đại công nghệ 4.0, nhiều nông dân huyện Ngân Sơn đã mạnh dạn thay đổi tư duy, đưa giống cây trồng mới vào sản xuất, đồng thời thay đổi cách tiếp cận thị trường nhằm quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Nhận thấy quê mình khí hậu mát mẻ, thuận lợi cho việc phát triển các loại rau, quả, anh Nông Văn Thành, sinh năm 1993, ở thôn Nà Nạc, xã Hiệp Lực đã thành lập HTX Nông nghiệp công nghệ cao Thành Đạt chuyên sản xuất rau, củ, quả. Trong đó, cây trồng chính là dưa lưới, dâu tây, bí thơm và cà chua quy mô khoảng 2.000 mét vuông nhà kính và nhiều diện tích trồng rau trái vụ, sớm vụ như cà chua, bắp cải, súp lơ… giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương. Hằng năm, HTX bán ra thị trường khoảng 60 tấn bí xanh thơm; 15 tấn dưa lưới. Sản phẩm dưa lưới của HTX được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Anh Nông Văn Thành, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Thành Đạt chia sẻ: "Để bắt nhịp với yêu cầu ngày càng cao của thị trường và ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh, HTX chúng tôi xác định duy trì với mục tiêu “Sản xuất hữu cơ để an toàn bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng; hiệu quả kinh tế cao”. Mô hình còn khá mới, chi phí đầu tư ban đầu lớn và đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc quy trình và bài bản… Nhưng tôi tâm niệm, cứ làm, rút kinh nghiệm dần. Mỗi loại cây có cách chăm sóc riêng, nhưng chịu khó dành thời gian tìm hiểu sự sinh trưởng phát triển của nó. Có đam mê sẽ thành công”.

Ở xã Đức Vân, 03 thanh niên trẻ gồm: Lý Văn Hoàng (1997), Nông Văn Dụng (1995) và Triệu Trần Vĩnh (1996) đã mạnh dạn thành lập HTX Đức Vân FRESH FARM, có địa chỉ ở thôn Bản Đăm, xã Đức Vân đã và đang thành công với mô hình dâu tây, dưa lưới, đang dần trở thành điểm thu hút du khách đến thưởng thức trái ngọt và trải nghiệm check-in bên hồ Bản Chang thơ mộng.

Theo anh Lý Văn Hoàng, Giám đốc HTX: Giống dâu tây Hana của Nhật Bản được HTX mang về trồng thử nghiệm năm 2021, đây là cây trồng mới cộng với chúng tôi toàn người còn khá trẻ, kinh nghiệm chưa có, nhưng xác định không ngại đối mặt với khó khăn, thử thách, thậm chí là cả những thất bại, tuy nhiên với tinh thần đoàn kết, nỗ lực đến nay chúng tôi đã có thể tự tin để hướng tới phát triển bền vững.

Ở Ngân Sơn nói đến mô hình trồng nho Hạ Đen, ở thôn Nà Diếu, xã Thượng Quan có lẽ ai cũng biết đến chị Triệu Thị Nga. Chị Nga chia sẻ: Mô hình được trồng năm 2018, ban đầu do con trai tôi tìm hiểu trên mạng xã hội biết đến cây nho Hạ Đen rất thành công ở tỉnh Lạng Sơn nên gia đình đã đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm và đưa vào áp dụng. Nho Hạ Đen (giống Nhật Bản) phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương và dễ chăm sóc, đến nay gia đình tôi đã mở rộng diện tích lên 6.000 mét vuông. Vườn nho đã cho thu hoạch bình quân khoảng từ 3,5 - 4 tấn quả/năm, mỗi năm 02 vụ, tháng 6 và tháng 11.

Vườn nho Hạ Đen của gia đình chị Triệu Thị Nga, xã Thượng Quan.

Vườn nho Hạ Đen của gia đình chị Triệu Thị Nga, xã Thượng Quan.

Gia đình đầu tư mái che, sử dụng dây thép không rỉ để cố định khum vòm mái che, chăm sóc đúng kỹ thuật, cắt tỉa, bọc quả tránh bị côn trùng châm; trồng cỏ lạc giữ độ ẩm, tơi xốp cho đất, diệt sâu hoàn toàn thủ công; sử dụng phân hữu cơ để chăm bón... Vì vậy, khách đến trải nghiệm, thưởng thức hoàn toàn có thể ăn ngay tại vườn. Tự tay hái những chùm nho vừa lưu lại các bức hình với không gian thiên nhiên đẹp, không khí trong lành mát mẻ.

Theo ông Nông Văn Hoạt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngân Sơn: "Những năm gần đây trên địa bàn huyện đã có một số mô hình sản xuất nông nghiệp tận dụng tốt lợi thế đất đai, khí hậu địa phương để chuyển đổi cây trồng phù hợp mang lại giá trị kinh tế cao, với những chủ vườn phần lớn tuổi đời còn khá trẻ, năng động tiếp cận khoa học kỹ thuật tiên tiến, có niềm đam mê. Họ đã mang đến cách nhìn mới cho người dân địa phương ý chí làm giàu từ đồng đất quê hương.."./.

Xem thêm