Ông Mã Ngọc Quốc, Chủ tịch UBND xã Văn Lang cho biết: Trước đây Văn Lang là một trong số những xã kinh tế - xã hội chậm phát triển, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới cơ sở hạ tầng nông thôn của địa phương có những chuyển biến đáng kể. Cụ thể, tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới tiêu chủ động gieo cấy 02 vụ chiếm 80,91%; tỷ lệ hộ được sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn đạt 96,5%; tỷ lệ lao động được đào tạo chiếm 74%; 15/15 thôn đạt tiêu chuẩn thôn văn hóa, đạt 100%; hệ thống đường thôn, đường liên thôn đã được bê tông hóa đạt 70,4%...
Mặc dù vậy, đời sống kinh tế của người dân trên địa bàn chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp thuần túy nên để đạt được mức thu nhập tăng theo từng năm và giảm tỷ lệ nghèo theo tiêu chí mới của xã còn nhiều khó khăn. Mức thu nhập chung của xã hiện nay mới chỉ đạt trên 25 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 296/731 hộ và 73 hộ cận nghèo.
Theo kế hoạch, xã Văn Lang phấn đấu về đích NTM năm 2023, tuy nhiên hiện nay xã mới chỉ đạt 9/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí NTM tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2022-2025, do đó xã xác định cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc chủ động thực hiện những tiêu chí không phụ thuộc nhiều vào nguồn lực; tạo đột phá trong cách nghĩ, cách làm để nâng cao đời sống cho người dân...
Theo đó, hiện nay ngoài cây ngô, lúa, Văn Lang đang dần phát triển một số cây trồng giá trị kinh tế cao phù hợp với nhu cầu thị trường như: Cây dược liệu, cam, quýt, hồng không hạt... Cây dược liệu hiện nay đã có trên 25ha (gồm: Hà thủ ô, xạ đen, khôi nhung tía, cà gai leo, kim ngân hoa, ba kích); 20ha cây ăn quả cam, quýt, hồng không hạt...Từng bước hình thành các vùng trồng tập trung; liên kết sản xuất theo chuỗi để sản xuất thành hàng hóa, nâng cao thu nhập...
Anh Hoàng Văn Luân, Giám đốc HTX dược liệu Bảo Châu, xã Văn Lang kiểm tra diện tích cà gai leo. |
Anh Hoàng Văn Luân, Giám đốc hợp tác xã (HTX) trồng và sản xuất dược liệu Bảo Châu cho biết: HTX chúng tôi đến nay đã liên kết với 03 tổ hợp tác trồng dược liệu. HTX đã có 08 sản phẩm (Trà cà gai leo, trà giảo cổ lam, cao cà gai leo, cao thảo dược trị xương khớp, dạ dày đại tràng, tiểu đường, cao hà thủ ô đỏ); một số sản phẩm đã xây dựng đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và được thị trường biết đến, kí hợp đồng tiêu thụ. Chúng tôi thường xuyên liên kết với HTX Văn Lang HT trong việc trồng, sơ chế dược liệu. Hình thành vùng nguyên liệu với hơn 25ha diện tích dược liệu hiện có: Hà thủ ô, cà gai leo, tam thất, xạ đen, ba kích…”
Ngoài tập trung vào cây dược liệu, năm 2023, Văn Lang thành lập thêm 02 HTX nuôi trồng thủy sản chất lượng cao (gồm: HTX Tân An, với quy mô diện tích hơn 69.900 mét vuông; HTX nông lâm thủy sản Hoàng Duy tận dụng nguồn nước khe suối mát lạnh để nuôi cá tầm, với 04 bể và hơn 5.000 con cá tầm hứa hẹn đem lại hiệu quả cao.
Nhờ mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm của các HTX, nhiều hộ dân ở địa phương có thêm việc làm, tăng thu nhập. Ông Nông Văn Trường, một hộ dân ở thôn Nà Diệc cho biết: "Thực hiện liên kết với các HTX trồng dược liệu đã giúp gia đình tôi có thêm nguồn thu nhập. Năm 2022, gia đình tôi trồng 5.000 mét vuông cà gai, giá trị kinh tế sau khi bán sản phẩm thô cho HTX thu về khoảng 50 triệu đồng, đây là nguồn thu nhập khá giúp gia đình trang trải cuộc sống, nuôi dạy con cái học hành".
Khu nuôi cá tầm của HTX Hoàng Duy, xã Văn Lang. |
Theo ông Mã Ngọc Quốc, Chủ tịch UBND xã Văn Lang, với những nỗ lực, đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng đúng, phù hợp của cấp ủy đảng, chính quyền xã, cùng sự nhạy bén, mạnh dạn vươn lên của các HTX, THT, hộ gia đình sẽ tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao đời sống cho Nhân dân, sớm đưa Văn Lang về đích NTM./.