Cô giáo Triệu Thị Thiều gắn bó với Trung tâm Giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh từ khi đơn vị này mới thành lập. Khi lựa chọn giảng dạy tại Trung tâm, cô gặp rất nhiều rào cản. Đầu tiên là bạn bè, đồng nghiệp cũ không cảm thông, chia sẻ. Lúc đó, cô mới có một đứa con đầu lòng, người thân sợ ảnh hưởng đến con cái về sau nên cũng không đồng tình với quyết định của cô.
Cô giáo Triệu Thị Thiều chia sẻ: “Mặc dù gặp nhiều rào cản nhưng bản thân tôi nghĩ mình phải làm điều gì đó để vơi bớt thiệt thòi cho các em. Suy nghĩ đó đã giúp tôi kiên định, sẵn sàng vượt qua mọi chuyện để đến công tác tại đây. Kỷ niệm nhớ nhất của tôi là về một học sinh ở huyện Ngân Sơn. Em này 9 tuổi mới ra học trong tình trạng không nghe, không nói được, không biết viết chữ. Sau 01 tuần học thì em đã biết viết tên mình. Bố mẹ học sinh đó đã rất hạnh phúc, rơi nước mắt và cảm ơn cô rất nhiều. Kỷ niệm đầu tiên đó là hành trang, động lực để tôi ngày càng gắn bó với học sinh thân yêu”.
Cô giáo Triệu Thị Thiều chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ trong 17 năm giảng dạy tại Trung tâm Giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh. |
Lo lắng, bỡ ngỡ là cảm xúc của cô giáo trẻ Trần Thị Kim Liên khi bắt đầu công tác tại Trung tâm Giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh năm 2021. Khác với môi trường phổ thông cô từng giảng dạy trước đó, học sinh ở đây có nhiều dạng tật, có em thì hay la hét, có nhiều hành vi bất thường. Vừa thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, vừa chăm sóc, trực quản sinh rất vất vả... Nhưng bằng sự động viên của đồng nghiệp, gia đình và vì các em học sinh, cô đã cố gắng vượt qua những khó khăn trước mắt.
Cô giáo Trần Thị Kim Liên hướng dẫn học sinh trong giờ Toán học. |
Cô giáo Trần Thị Kim Liên chia sẻ về những công việc ngoài giờ giảng dạy. |
Chia sẻ về kỷ niệm giảng dạy, cô Liên cho biết: “Tôi nhớ có lần đang giảng bài trên lớp, học sinh có nhiều hành vi không chú ý. Khi giáo viên đưa ra mệnh lệnh thì học sinh chạy, la hét khắp mọi nơi. Tôi không biết làm thế nào cả, lúc đó tôi được đồng nghiệp, nhân viên hỗ trợ giúp học sinh ổn định tâm lý. Sau nhiều lần nói chuyện, cô trò đã hiểu nhau hơn, học sinh ngoan, nghe lời, tập trung vào bài học hơn”.
Một số hoạt động chăm sóc, dạy kỹ năng sống cho học sinh. |
Cô giáo Liên cho biết thêm: Giảng dạy trong môi trường này yêu cầu giáo viên phải kiên nhẫn, nhẹ nhàng, thường xuyên trang bị, nâng cao kiến thức, kỹ năng giáo dục đặc biệt. Các em học sinh tuy có nhiều khiếm khuyết nhưng cũng rất tình cảm, biết quan tâm tới các cô từ những điều nhỏ nhất.
Sau tiết học trên lớp, các cô giáo lại trở thành những người mẹ tần tảo hướng dẫn các con vệ sinh cá nhân, lo từng bữa ăn, giấc ngủ, chăm sóc, bảo vệ các con từng chút một.
Năm học 2023 – 2024, Trung tâm Giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh Bắc Kạn có 34 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Tổng số học sinh gồm 73 em, theo học 10 lớp thuộc bậc mẫu giáo và tiểu học, trong đó có 43 học sinh nội trú, nhiều em đến từ vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Học sinh thuộc nhiều dạng khuyết tật khác nhau như: Nghe – nói, nhìn, vận động, trí tuệ…
Những điều giãi bày trên đây chưa thể kể hết những khó khăn, vất vả của các cô giáo “đặc biệt” này. Qua ngày tháng, không kể giờ giấc, nắng mưa, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, các cô giáo tại Trung tâm Giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh vẫn luôn miệt mài, cần mẫn gieo con chữ, gieo yêu thương vẹn tròn, thắp lửa hy vọng cho những “mầm chồi” hoàn thiện hơn, tự tin hoà nhập cuộc sống, trở thành người có ích cho xã hội./.