Nông dân Chợ Mới nâng cao thu nhập từ cây vụ đông

BBK - Để tăng vòng quay sử dụng đất, nâng cao hiệu quả kinh tế, nông dân huyện Chợ Mới chủ động lựa chọn cơ cấu rau màu phù hợp với nhu cầu của thị trường, đồng thời thực hiện các mô hình liên kết sản xuất cây trồng ngắn ngày.

thiet-ke-chua-co-ten-29.png
Trồng rau màu vụ đông giúp nâng cao thu nhập cho người dân huyện Chợ Mới.

Phong trào trồng cây vụ đông trên địa bàn huyện phát triển mạnh tại các xã Thanh Thịnh, thị trấn Đồng Tâm, Thanh Mai, Nông Hạ… Mùa nào thức nấy, bà con nhân dân các xã lại quay vòng, gối vụ sản xuất các loại cây rau màu vụ đông như rau xanh, đậu, đỗ, khoai tây, dưa chuột với phương châm không để cho “đất nghỉ”. Diện tích cây trồng vụ đông được mở rộng hằng năm đồng nghĩa với việc thu nhập của người dân tăng lên đáng kể.

rau-5.jpg
Nhiều diện tích đất một vụ đã được nông dân huyện Chợ Mới chuyển đổi sang chuyên canh rau vụ đông.

Từ nhiều năm nay, gia đình ông Nguyễn Huy Tặng, thôn Khuổi Nhầu, xã Thanh Thịnh tập trung chuyên canh cây rau màu vụ đông. Mỗi vụ gia đình ông trồng từ 1.000 đến 1.500 cây rau giống với các loại rau cải, su hào, hành, tỏi… Sau khi thu hoạch xong, sau Tết gia đình lại cải tạo đất để trồng cây mướp đắng, cà và dưa chuột. Mỗi vụ thu về khoảng 70 triệu đồng.

beige-minimalist-mood-photo-collage-1.png
Mô hình liên kết trồng cây ớt ở huyện Chợ Mới giúp người dân yên tâm sản xuất, thu nhập ổn định.

Ông Nguyễn Huy Tặng cho biết thêm: "Lúc đầu gia đình chỉ gieo trồng với diện tích nhỏ, nhưng thấy nhu cầu mua rau giống của người dân nhiều nên chúng tôi đã mở rộng diện tích. Trồng rau vụ đông mang lại giá trị cao hơn nhiều lần so với trồng ngô, lúa, thời gian lại ngắn ngày, thị trường tiêu thụ cũng ổn định. Vì vậy, nhiều năm nay gia đình tôi đã chuyển đổi diện tích đất một vụ sang chuyên canh cây rau màu".

rau-6.jpg
Nông dân xã Thanh Thịnh chăm sóc cây rau vụ đông.

Những năm qua, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản Tiến Phát (Bắc Kạn) đã triển khai mô hình liên kết trồng, bao tiêu cây ớt xuất khẩu tại các xã Thanh Thịnh, Nông Hạ, Thanh Vận, Cao Kỳ với tổng diện tích 16ha. Công ty đầu tư, hỗ trợ bà con về cây giống, khoa học kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm sau thu hoạch. Hiện nay công ty đang thu mua ớt của bà con với giá cao nhất thời điểm đầu vụ là 28.000 đồng/kg, thấp là 11.000 đồng/kg. Nhờ có liên kết tiêu thụ nên bà con yên tâm sản xuất, thu nhập ổn định.

ot-cao-ky.jpg
Mô hình liên kết trồng cây ớt xuất khẩu tại xã Cao Kỳ.

Vừa nhanh tay thu hái những trái ớt chín, chị Lường Thị Thể ở thôn Bản Phố, xã Cao Kỳ cho biết: "Gia đình tôi thực hiện mô hình liên kết trồng cây ớt được 5 năm, nhờ đầu ra ổn định nên giúp gia đình tăng thu nhập, ổn định cuộc sống".

Ông Lê Văn Khiêm, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản Tiến Phát thông tin: "Trên cơ sở thành công của mô hình liên kết trồng ớt xuất khẩu, năm 2025 công ty tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương triển khai dự án trồng cây cà chua và ngô ngọt vụ thu đông tại các địa phương này. Qua đó nhằm giúp bà con mở rộng diện tích sản xuất, nâng cao thu nhập".

rau-12.jpg
Nông dân thị trấn Đồng Tâm chăm sóc cây rau màu vụ đông.

Năm 2024, huyện Chợ Mới trồng được 100ha ngô, 151,2ha cây rau vụ đông, 49ha cây khoai lang, 10ha cây khoai tây. Một số diện tích cây rau màu gieo trồng sớm đã cho thu hoạch, diện tích còn lại đang được bà con nông dân trồng và chăm sóc. Để khai thác tiềm năng đất đai và giá trị kinh tế từ các cây trồng ngắn ngày, ngay từ đầu vụ huyện Chợ Mới đã chỉ đạo phòng chuyên môn hướng dẫn các xã tập trung làm đất, gieo trồng, chăm sóc đúng khung thời vụ. Đồng thời khuyến cáo người dân trồng các loại cây rau màu phù hợp với thị trường để tiêu thụ thuận lợi, lựa chọn rau giống rõ nguồn gốc để bảo đảm năng suất và sản lượng./.

Xem thêm