Vốn tín dụng ưu đãi thúc đẩy hợp tác xã phát triển

BBK - Nguồn tín dụng chính sách xã hội đã trở thành kênh tiếp vốn chủ lực cho người nghèo và các đối tượng chính sách, đồng thời hỗ trợ các HTX mở rộng sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

2.jpg
Gia đình ông Hoàng Văn Tùng, thôn Nà Tạ, xã Thượng Giáo (Ba Bể) sử dụng vốn vay ưu đãi để chăn nuôi trâu, bò mang lại hiệu quả kinh tế.

Hiện toàn tỉnh có 460 HTX với tổng vốn điều lệ 750 tỷ đồng và 4.290 thành viên (bình quân khoảng 10 thành viên/HTX). Những năm qua, nhiều thành viên của các HTX trên địa bàn tỉnh đã được tiếp cận vốn vay của Ngân hàng CSXH thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), đưa nguồn vốn vào đầu tư, mở rộng sản xuất tạo ra sản phẩm và tăng thu nhập.

Ông Hoàng Văn Tùng, thôn Nà Tạ, xã Thượng Giáo (Ba Bể).

Gia đình ông Hoàng Văn Tùng, ở thôn Nà Tạ xã Thượng Giáo (Ba Bể) là một trong những thành viên của HTX Thành Phát, được vay vốn của Ngân hàng CSXH để phát triển kinh tế gia đình. Thông qua nguồn vốn vay, gia đình ông đã tập trung phát triển kinh tế như chăn nuôi trâu, bò, sửa chữa xe máy máy và dịch vụ máy xúc.

Gần đây gia đình ông đã đưa thịt trâu vào HTX để chế biến, đóng gói thành sản phẩm cung cấp cho thị trường. Đến nay các thành viên của HTX Thành Phát chăn nuôi gần 200 con trâu, bò, đây là nguồn nguyên liệu lớn để cung cấp con giống cũng như chế biến thịt trâu, bò tươi thành các sản phẩm thịt khô. Bên cạnh đó, HTX còn tổ chức cho các thành viên chăn nuôi trâu, bò, sản xuất các sản phẩm từ thịt trâu, mở nhà hàng ăn uống và giải quyết việc làm cho 07 lao động.

1.jpg
08 thành viên của HTX Nông lâm tổng hợp Địa Linh (Ba Bể) được vay 800 triệu đồng để tạo việc làm, tăng thu nhập.

Mặc dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể, tuy nhiên, số HTX trên địa bàn tỉnh được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển còn ít. Hầu hết các HTX đều có quy mô vốn tự có nhỏ, tài sản thuộc sở hữu của HTX để đảm bảo còn thấp so với nhu cầu vay. Phương án sản xuất, kinh doanh chưa mang tính khả thi nên không đáp ứng đầy đủ điều kiện vay vốn. Nhiều tổ chức tín dụng vẫn còn e ngại khi cho vay vốn đối với HTX vì chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro, nên chủ yếu cho vay trực tiếp các thành viên của HTX.

Anh Hoàng Văn Thứ, Giám đốc HTX Nông lâm tổng hợp Địa Linh.

Anh Trần Trung Nghĩa, Giám đốc HTX nước sạch và VSMT (Ngân Sơn) cho biết: Hiện nay HTX có vay vốn của ngân hàng để phát triển sản xuất. Tuy nhiên các chương trình tín dụng chính sách mà NHCSXH đang triển khai cho vay lại chưa có chương trình cụ thể nào dành cho HTX, mà chủ yếu dành cho các thành viên của HTX như vốn vay giải quyết việc làm...

Đối với hoạt động của các HTX hiện nay được tiếp cận nguồn vốn vay chủ yếu theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP với một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó quy định mức cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa 1 tỷ đồng đối với HTX; tối đa 2 tỷ đồng đối với HTX nuôi trồng thủy sản, liên hiệp HTX hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp...

Ông Hoàng Văn Thái, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Ba Bể.

Cùng với các nguồn vốn của ngân hàng, năm 2024 từ nguồn kinh phí các Chương trình MTQG, trên địa bàn toàn tỉnh đã triển khai thực hiện 377 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, bao gồm: 112 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị và 265 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.

Có thể nói, hoạt động cho vay đối với các HTX là một phần quan trọng trong giải pháp thúc đẩy tài chính toàn diện. Để tháo gỡ khó khăn của HTX, đáp ứng các điều kiện tín dụng, cần có nhiều giải pháp hỗ trợ từ nhiều phía đối với HTX, kể cả cơ chế chính sách hỗ trợ, các quy định hướng dẫn để thực hiện Luật HTX có hiệu lực từ 1/7/2024./.

Xem thêm