Cùng dự có các đồng chí: Nông Quang Nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Hà Sỹ Huân, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn; đại diện lãnh đạo Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Quỹ phát triển Nông nghiệp Quốc tế tại Việt Nam - Văn phòng IFAD Việt Nam; Ban Quản lý Dự án CSSP tỉnh Cao Bằng; Ban Quản lý Dự án Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu tại tỉnh Trà Vinh, tỉnh Bến Tre.
Dự án CSSP được triển khai tại tỉnh Bắc Kạn từ năm 2017 đến 2024 với tổng số vốn 37,506 triệu USD (tương đương hơn 840 tỷ đồng). Trong đó, vốn vay của IFAD là 21,25 triệu USD; đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 11,039 triệu USD, gồm ngân sách trung ương, ngân sách địa phương cấp và vốn lồng ghép từ các chương trình MTQG khác; vốn đối ứng của người hưởng lợi là 5,217 triệu USD.
Dự án gồm 03 hợp phần chính, gồm: Thể chế hóa quy hoạch có sự tham gia của tỉnh; tương lai nông nghiệp xanh hơn và các trang trại có lợi nhuận gắn với tài chính và thị trường. Dự án được triển khai tại 35 xã thuộc 05 huyện, gồm: Na Rì, Bạch Thông, Ngân Sơn, Ba Bể và Pác Nặm. Mục tiêu chung của Dự án là góp phần giảm nghèo bền vững ở Bắc Kạn. Mục đích phát triển của dự án là cải thiện thu nhập bền vững và giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu của các hộ nông dân nghèo và cận nghèo tại các xã dự án mục tiêu.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nông Quang Nhất thông tin, CSSP là dự án thứ 2 của tỉnh Bắc Kạn sử dụng vốn vay ODA từ IFAD. Đây là Dự án tiếp cận theo hướng hỗ trợ sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát huy những thành quả và bài học kinh nghiệm từ dự án Quan hệ đối tác vì người nghèo trong phát triển nông lâm nghiệp (3PAD) với mục tiêu “Nâng cao thu nhập và giảm mức độ dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu của hộ nghèo và cận nghèo tại các xã mục tiêu của Dự án một cách bền vững”.
Sau 07 năm thực hiện, Dự án CSSP tỉnh Bắc Kạn đã đạt được những kết quả nhất định, hoàn thành mục tiêu đề ra, thể hiện thông qua số lượng các đối tượng hưởng lợi từ dự án, có mức thu nhập tăng và giảm tỷ lệ hộ nghèo; nhiều chỉ số đã đạt và vượt so với văn kiện dự án được phê duyệt. Dự án đã góp phần làm chuyển đổi về nhận thức của chính quyền, đoàn thể và người dân về phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp theo chuỗi thích ứng với biến đổi khí hậu.
Qua thực hiện Dự án, quy trình lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội có sự tham gia theo định hướng thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu (MOP-SEDP), ở cấp xã, cấp huyện đã được UBND tỉnh thể chế hóa và nhân rộng ra toàn tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả công tác lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của tỉnh.
Dự án đã giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho trên 9.600 hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và 180 cộng đồng với diện tích gần 38.000 ha tại các huyện Ba Bể, Pác Nặm, Ngân Sơn và Na Rì; tài trợ xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai của 02 huyện Ba Bể, Pác Nặm. Hỗ trợ xây dựng 229 công trình cơ sở hạ tầng chủ yếu là các tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài hơn 300km.
Thực hiện Dự án, đã có 613 tổ/nhóm hợp tác sản xuất theo chuỗi được thành lập và liên kết với các đơn vị doanh nghiệp/hợp tác xã chế biến, tiêu thụ sản phẩm thông qua các hợp đồng bao tiêu; nhiều mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu được triển khai hiệu quả; 569 tổ hợp tác được hỗ trợ nguồn vốn ban đầu để triển khai các kế hoạch sản xuất kinh doanh; 09 đơn vị doanh nghiệp/HTX được hỗ trợ đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Qua đó, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho các hộ dân nông thôn, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng dự án.
Dự án đã đạt được mục tiêu tổng quát, đó là góp phần giảm nghèo bền vững tại Bắc Kạn với kết quả giảm 29,94% tỷ lệ nghèo đa chiều, đạt 119,76% so với mục tiêu giảm 25% ban đầu.
Hội thảo đã nghe báo cáo tham luận về kinh nghiệm lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng thị trường, có sự tham gia và thích ứng với biến đổi khí hậu hằng năm cấp xã (MOP-SEDP); kinh nghiệm để duy trì, phát triển mối liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa hợp tác xã với các hộ sản xuất để ổn định và phát triển vùng nguyên liệu; vai trò của người lãnh đạo tổ hợp tác trong công tác quản lý, vận hành tổ hợp tác; chia sẻ kinh nghiệm của các tỉnh bạn trong thực hiện Dự án Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu giai đoạn 2023-2027…
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đánh giá, Dự án CSSP đã đóng góp rất lớn trong việc thay đổi tư duy sản xuất của người dân tỉnh Bắc Kạn. Từ sản xuất tự cung, tự cấp, người dân đã từng bước chuyển sang sản xuất hàng hóa, có sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài mặc dù quy mô còn nhỏ. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, từng bước cải thiện đời sống Nhân dân.
Đồng chí Phương Thị Thanh nhấn mạnh: Tỉnh Bắc Kạn có lợi thế tỷ lệ che phủ rừng lớn nhất cả nước, nhưng chưa tiếp cận được thị trường tín chỉ các-bon; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo đa chiều còn rất lớn; chương trình OCOP đang được thực hiện thành công nhưng sản phẩm OCOP quy mô còn nhỏ, sức cạnh tranh còn hạn chế. Vì thế, đề nghị Quỹ IFAD Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để tỉnh được tiếp cận, thực hiện dự án giai đoạn tiếp theo; tạo điều kiện cho Bắc Kạn khai thác lợi thế nông nghiệp, đáp ứng được yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay.
Dịp này, UBND tỉnh tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân; Ban Điều phối Dự án CSSP tỉnh tặng Giấy khen các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong triển khai Dự án CSSP tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2017-2024./.