Chuyển đổi xanh trên lĩnh vực nông nghiệp

BBK - Bắc Kạn được biết đến với hệ sinh thái phong phú và tài nguyên thiên nhiên dồi dào. Với đặc thù khí hậu ôn hòa, nơi đây rất phù hợp để phát triển nông nghiệp xanh theo hướng bền vững.

Ngày 12 tháng 10 năm 2020, tỉnh Bắc Kạn ban hành Quyết định 1841/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu là đề ra các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, vận dụng năng lực thể chế chính sách, nhằm tăng cường vai trò chủ đạo của Nhà nước xây dựng cộng đồng ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Theo đó, trên lĩnh vực nông nghiệp sẽ rà soát điều chỉnh quy hoạch đất đai và bố trí diện tích, cơ cấu cây trồng hợp lý, thay đổi phương thức sản xuất, ứng dụng công nghệ tiên tiến, từng bước chuyển đổi từ quy mô nhỏ, lẻ sang phương thức nhóm hộ, HTX, sản xuất theo quy hoạch và yêu cầu của thị trường. Thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ như phân xanh, phân chuồng, phân ủ, sử dụng chất thải nông nghiệp (rơm, rạ…) để tăng độ phì nhiêu cho đất và hạn chế khả năng bốc hơi nước. Nghiên cứu và triển khai cây trồng có khả năng chống chịu thay đổi thời tiết, nhiệt độ nắng nóng, hạn hán bất thường, rét hại, phù hợp với thời vụ. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác, tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất lúa bị thiếu nước.

chuyen-doi-xanh.jpg
Mô hình canh tác lúa theo hướng giảm phát thải khí nhà kính triển khai tại xã Bình Trung (Chợ Đồn).

Với nhiệm vụ đặt ra như vậy, ngành Nông nghiệp Bắc Kạn đã xây dựng lộ trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021-2025, kêu gọi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh, phụ trợ dịch vụ nông nghiệp hữu cơ nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Tỉnh Bắc Kạn đã vận dụng linh hoạt các cơ chế chính sách đặc thù của địa phương, huy động các nguồn vốn hợp phát để thực hiện các dự án nông nghiệp hữu cơ. Kết quả từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 74,8ha diện tích sản xuất nông nghiệp được cấp chứng nhận hữu cơ trên các cây trồng là lúa, bí xanh thơm, dong riềng, cây chè, cây hạt dẻ; có 992ha lúa, 40ha nghệ được sản xuất theo hướng hữu cơ.

Một số địa phương, đơn vị cũng đã lồng ghép hiệu quả các buổi tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích của phát triển nông nghiệp hữu cơ, xây dựng mô hình canh tác lúa theo hướng giảm phát thải khí nhà kính… Cụ thể, Hội Nông dân tỉnh, năm 2024 đã tổ chức thành công 02 hội thi tìm hiểu kiến thức về kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường với hơn 90 người tham dự. Chọn, cử 02 sản phẩm gạo canh tác lúa thân thiện với môi trường tham gia Hội chợ triển lãm Nông nghiệp quốc tế tại Hà Nội; hỗ trợ xây dựng mới và duy trì 13 mô hình sản xuất theo quy trình hữu cơ, chế biến các sản phẩm hữu cơ để nâng cao giá trị sản phẩm, điển hình có trà bí thơm, miến dong, gạo nếp Tài…

Để đạt được mục tiêu chuyển đổi xanh trong kinh tế nông nghiệp, thời gian tới, Bắc Kạn cần chú trọng tuyên truyền, nâng cao năng lực, nhận thức của cán bộ, Nhân dân về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đầu tư vào các mô hình, kinh tế hạn chế sử dụng hóa chất. Tổ chức các lớp đào tạo về nông nghiệp xanh, kỹ thuật canh tác bền vững và áp dụng công nghệ cao. Vận dụng các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp xanh, đồng thời cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông và hạ tầng kỹ thuật để hỗ trợ việc vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. Sử dụng công nghệ số để tối ưu hóa quy trình sản xuất và đảm bảo chất lượng sản phẩm./.

Xem thêm