Mô hình nuôi dúi tại xã Yên Phong - hướng đi mới trong phát triển kinh tế

BBK - Mô hình nuôi dúi tại xã Yên Phong (Chợ Đồn) đã và đang mở ra hướng đi mới cho bà con địa phương. Với tiềm năng kinh tế cao và những lợi thế đặc biệt, nuôi dúi đang dần được nhân rộng góp phần cải thiện thu nhập cho nhiều hộ gia đình.

IMG_2602.jpeg
Đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Chủ tịch UBND tỉnh thăm mô hình nuôi dúi của hộ gia đình ông Liêu Đình Hùng, thôn Pác Lả, xã Yên Phong (Chợ Đồn).

Từ những bước khởi đầu đầy khó khăn, nuôi dúi tại Yên Phong hiện nay đã có những bước phát triển đáng kể. Ban đầu, chỉ một số hộ dân thử sức với vài con dúi để nuôi thử nghiệm, nhưng dần dần, nhận thấy hiệu quả kinh tế, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư và mở rộng quy mô chăn nuôi. Điển hình là hộ ông Liêu Đình Hùng, thôn Pác Lả, hiện nuôi từ 800 đến 1.000 con dúi, trở thành một trong những hộ nuôi nhiều nhất xã. Bên cạnh đó, còn có các hộ như Ma Doãn Tuyên ở thôn Pác Lả và Lý Văn Khoa ở thôn Bản Lanh và một số hộ dân khác cũng có tổng đàn vài trăm con.

Theo thống kê, hiện tại, toàn xã Yên Phong có hơn 90 hộ tham gia nuôi dúi với tổng đàn khoảng 10.000 con. Bí thư Đảng ủy xã Yên Phong, ông Lý Văn Mười chia sẻ nuôi dúi mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội so với chăn nuôi các loài động vật truyền thống như trâu, bò hay lợn, Dúi có ưu thế về chi phí đầu tư thấp, ít tiêu tốn công sức chăm sóc, nhưng mang lại lợi nhuận cao hơn nhiều lần. Đây cũng là mô hình được xác định là hướng đi tiềm năng để xóa đói giảm nghèo cho bà con địa phương.

Một trong những lợi thế của nghề nuôi dúi là nguồn thức ăn dễ tìm, chủ yếu là các loại cây tre, trúc, chuối rừng, đều có sẵn tại địa phương. Dúi là loài động vật hoang dã, có sức đề kháng cao nên ít khi mắc bệnh, điều này giúp giảm thiểu chi phí chăm sóc, thuốc men, tạo điều kiện thuận lợi cho những hộ chăn nuôi quy mô nhỏ. Ngoài ra, với môi trường sống tự nhiên tại Yên Phong, dúi dễ dàng thích nghi và phát triển nhanh chóng.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, các hộ nuôi dúi cũng đang gặp phải một số khó khăn. Khó khăn lớn nhất chính là nguồn vốn đầu tư ban đầu để mở rộng quy mô chăn nuôi. Nhiều hộ dân mong muốn phát triển đàn dúi nhưng thiếu nguồn tài chính để xây dựng chuồng trại, mua con giống và trang thiết bị chăm sóc. Hơn nữa, mặc dù đầu ra của dúi hiện tại khá ổn định, nhưng việc tiếp cận thị trường lớn hơn vẫn cần sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương.

Trong bối cảnh đó, để mô hình nuôi dúi thực sự trở thành hướng đi bền vững và nhân rộng ra các địa phương khác, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ từ chính quyền địa phương. Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn Đặng Đình Phong chia sẻ: Huyện xác định đây là mô hình có triển vọng và sẽ tiếp tục hỗ trợ bà con trong việc tiếp cận nguồn vốn, kỹ thuật cũng như xây dựng hệ thống tiêu thụ sản phẩm.

Trong tương lai, với sự hỗ trợ từ chính quyền và các cấp ngành, tin rằng nghề nuôi dúi hoàn toàn có thể trở thành một hướng đi bền vững, mang lại thu nhập ổn định, cải thiện đời sống kinh tế cho nhiều hộ gia đình không chỉ tại xã Yên Phong mà còn cho cả các địa phương khác tại Chợ Đồn./.

Xem thêm