Nông dân xã Mỹ Thanh thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp

BBK - Từ chỗ chỉ canh tác 2 vụ lúa, những năm gần đây, người dân xã Mỹ Thanh (Bạch Thông) đã chú trọng sản xuất vụ đông, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao hơn.
Cây khoai tây đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân xã Mỹ Thanh.

Cây khoai tây đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân xã Mỹ Thanh.

Nhận thấy nhiều hộ dân trong thôn trồng khoai tây theo hình thức liên kết với doanh nghiệp đem lại hiệu quả khá, nên vụ đông năm nay, gia đình ông Đinh Quang Thú ở thôn Bản Luông mạnh dạn đăng ký trồng. “Trước đây, gia đình tôi thường để đất trống trong vụ đông. Năm nay có dự án trồng khoai tây triển khai tại địa phương nên gia đình tôi đăng ký tham gia. Những vụ tiếp theo gia đình tôi sẽ tiếp tục trồng và mở rộng diện tích”, ông Thú cho hay.

Là một trong những hộ dân tiên phong trồng khoai tây ở Mỹ Thanh, ông Phùng Tiến Quảng, Trưởng thôn Bản Luông cho biết: Bản Luông là thôn đầu tiên trồng khoai tây có sự liên kết, hợp tác với tổng diện tích ban đầu là 2,5ha. Sau đó bà con nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây khoai tây, công chăm sóc ít hơn một số cây trồng khác nên chủ động mở rộng diện tích. Năm nay, toàn thôn trồng hơn 5,7ha khoai tây theo mô hình liên kết chuỗi giá trị, trong đó ưu tiên cho các hộ nghèo, cận nghèo tham gia.

Cánh đồng trung tâm xã Mỹ Thanh rộng hơn 65ha, là khu vực sản xuất tập trung của bà con trên địa bàn. Năm 2020, khi triển khai dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị trồng và tiêu thụ khoai tây nguyên liệu, ban đầu người dân chưa mặn mà. Nhờ hiệu quả kinh tế thấy rõ, đến nay có hơn 200 hộ dân tham gia trồng khoai tây, với diện tích gần 30ha.

Đồng đất ở Mỹ Thanh rất hợp với cây khoai tây, chất lượng củ tốt. Sản phẩm được kết nối với doanh nghiệp thu mua ổn định. Trung bình mỗi hộ có thêm thu nhập từ 9 – 12 triệu đồng mỗi vụ khoai tây. Đây là cây trồng đem lại giá trị kinh tế cho người dân, nên xã khuyến khích mở rộng diện tích trong vụ đông.

Bà Triệu Thị Va, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Mỹ Thanh cho biết: “Triển khai dự án trồng khoai tây liên kết sản xuất, xã đã phối hợp mở các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ tham gia. Kết quả cho thấy mô hình đạt hiệu quả cao, giúp người dân có thêm nguồn thu nhập, một số hộ đã thoát nghèo”.

Người dân Mỹ Thanh thu hoạch dong riềng.

Người dân Mỹ Thanh thu hoạch dong riềng.

Dong riềng cũng là cây trồng được người dân xã Mỹ Thanh tập trung canh tác. Toàn xã có khoảng 28ha dong riềng. Những năm qua, xã đã khuyến khích đưa loại cây này vào trồng ở những diện tích đất soi bãi, đất ruộng, giúp nông hộ tăng thêm thu nhập.

Gia đình chị Bùi Thị Phương ở thôn Bản Luông nhiều năm gắn bó với cây dong riềng. Chị Phương cho biết: “Cây dong riềng dễ trồng, dễ chăm sóc, phù hợp với đất đai của địa phương, cho hiệu quả, năng suất cao hơn cây trồng khác. Năm nay, giá thu mua dong riềng cao hơn những năm trước”.

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, chính quyền xã Mỹ Thanh đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích kém hiệu quả sang trồng cây dong riềng. Đồng thời, cán bộ chuyên môn cũng hướng dẫn khoa học kỹ thuật cho bà con từ khâu làm đất và quy trình trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh.

Hiệu quả kinh tế đem lại khá rõ nét khi người dân chủ động tăng vụ sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nhờ đó góp phần đa dạng sản phẩm nông nghiệp, tăng hiệu suất sử dụng đất, nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích và đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn xã./.

Xem thêm