Đến xã Nam Mẫu (Ba Bể), điều chúng tôi thấy ấn tượng hơn cả đó là sự tự tin, cởi mở, tràn đầy tâm huyết của những người phụ nữ- các “bà chủ” homestay nơi đây. So với tính cách trầm lặng vốn có của người phụ nữ vùng cao, giờ đây họ dường như đã trở nên tự tin, độc lập và cởi mở hơn từ khi làm du lịch cộng đồng.
Dáng người nhỏ bé, nhưng chị Triệu Thị Đầm, thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu (Ba Bể) khá năng động, nhanh nhẹn và tự tin khi tiếp đón các đoàn khách du lịch đến nghỉ tại homestay của gia đình.
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn có view hướng ra mặt hồ Ba Bể thơ mộng, chị Đầm chia sẻ: Nhận thấy khách du lịch đến với hồ Ba Bể ngày càng nhiều, nhu cầu ăn uống, nghỉ dưỡng ngày càng lớn, vì vậy vợ chồng tôi đã mạnh dạn đầu tư phát triển dịch vụ homestay. Tôi đã đầu tư, sửa sang lại nhà cửa trên cơ sở giữ nguyên nếp nhà sàn của dân tộc Tày, phát triển dịch vụ ăn uống với những món ăn đặc sản của địa phương phục vụ du khách. Đồng thời xây dựng tour tham quan, trải nghiệm phong phú, đa dạng.
Mỗi khi có du khách đến lưu trú tại homestay của gia đình, chị Đầm lại chuẩn bị những món ăn đậm nét văn hóa ẩm thực của người Tày để phục vụ khách du lịch như: Cá hồ, thịt lợn treo gác bếp, rau rừng, xôi ngũ sắc...
Cùng với đầu tư, sửa sang căn nhà trên cơ sở giữ nguyên những nét văn hóa dân tộc Tày, gia đình chị Đầm còn trưng bày những dụng cụ truyền thống dệt vải thổ cẩm của người Tày như: Khung cửi, các sản phẩm lưu niệm, tái hiện và hướng dẫn cho khách các công đoạn nghề dệt của người Tày. Đồng thời chị còn cung cấp các đặc sản địa phương cho du khách với nguyên liệu sạch và an toàn.
Có dịp ghé qua thôn Cốc Tộc, xã Nam Mẫu, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Loan-một trong số những phụ nữ trên địa bàn xã tham gia phát triển du lịch cộng đồng hiệu quả từ dịch vụ homestay. Khác với những dịch vụ homestay khác, với "Ba Bể Farmstay" của gia đình chị Loan lại lựa chọn xây dựng những căn nhà gỗ bungalow gần gũi với thiên nhiên để thu hút khách du lịch. Vợ chồng chị đã lựa chọn những vật liệu từ thiên nhiên để xây dựng những căn bungalow tạo nên không gian yên bình, hòa quyện với thiên nhiên vô cùng mát mẻ và dễ chịu.
Chị Nguyễn Thị Loan cho hay: "Phát triển du lịch xanh gần gũi với thiên nhiên đang là xu hướng được gia đình tôi lựa chọn nhằm tạo ra những giá trị khác biệt trong chuyến du lịch của du khách. Sự khác biệt ấy, bắt đầu từ việc trở về với thiên nhiên, trải nghiệm, nghỉ dưỡng, cảm nhận trọn vẹn khung cảnh bình yên, dân dã. Với việc xây dựng những căn bungalow gần gũi với thiên nhiên đã giúp thu hút được đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến với gia đình".
Những mô hình homestay do phụ nữ đứng chủ cần được nhân rộng, để người phụ nữ vùng cao được tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, góp phần thúc đẩy tiềm năng du lịch của địa phương ngày càng phát triển bền vững.
Nhằm hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện có hiệu quả Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017-2025 với các chương trình hỗ trợ hội viên tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, tập huấn định hướng khởi nghiệp… giúp trang bị kiến thức, sự tự tin cho hội viên trong quá trình khởi sự kinh doanh.
Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Kạn đang triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có Dự án 6 về “bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”. Đây sẽ là nguồn trợ lực lớn để người dân trên địa bàn tỉnh nói chung, chị em phụ nữ nói riêng đầu tư phát triển du lịch gắn với bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc./.