Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 16/01/2017, về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nêu rõ:
Phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao; xã hội hóa cao và có nội dung văn hóa sâu sắc; tăng cường liên kết trong nước và quốc tế, chú trọng liên kết giữa ngành Du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị hình thành nên các sản phẩm du lịch.
Hồ Ba Bể là nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp, hấp dẫn, mọi du khách đến đây trải nghiệm gần như đều có ấn tượng này. Tuy nhiên, để thu hút và lưu giữ du khách vẫn là bài toán mà lâu nay tỉnh Bắc Kạn loay hoay tìm lời giải.
Sản phẩm du lịch nơi đây còn nghèo nàn, đơn điệu, chưa đủ sức hút hấp dẫn du khách lưu trú. Các hoạt động dịch vụ chưa thực sự chuyên nghiệp, chất lượng phục vụ chưa cao. Hạ tầng du lịch mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Các giá trị văn hóa truyền thống chưa được khai thác nhiều để trở thành sản phẩm du lịch đặc thù…
“Cách đây hơn 10 năm tôi đến hồ Ba Bể và rất ấn tượng với những ngôi nhà sàn ở Pác Ngòi, giờ quay trở lại, nơi đây đã xen vào những ngôi nhà xây, mất đi nét quyến rũ của một bản vùng cao…”, chị Vũ Thanh Nga, du khách đến từ quận Long Biên (Hà Nội) chia sẻ.
Bắc Kạn có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, nhất là du lịch lịch sử, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa, với các điểm di tích quan trọng của quốc gia như: Khu di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu Chợ Đồn, Di tích lịch sử cấp Quốc gia Nà Tu, Di tích lịch sử Đồn Phủ Thông. Khu du lịch Ba Bể với hồ Ba Bể là Di tích quốc gia đặc biệt, một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới. Vườn quốc gia Ba Bể được công nhận là Vườn di sản ASEAN, khu RAMSAR thứ 1.938 của thế giới và khu RAMSAR thứ 3 của Việt Nam. Tính đa dạng sinh học cao, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hấp dẫn, hệ thống sông, hồ, hang động phong phú… là những điều kiện quan trọng để tỉnh phát triển mạnh hoạt động du lịch.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 12/8/2021 về phát triển du lịch tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, đặt ra mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2025 Khu du lịch Ba Bể trở thành khu du lịch quốc gia, đón ít nhất 32 nghìn lượt khách quốc tế và một triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 1.000 tỷ đồng.
Mặc dù Bắc Kạn đã có nhiều nỗ lực để quảng bá, xúc tiến du lịch, tổ chức các lễ hội như: Trải nghiệm thu hoạch bí xanh thơm, Sắc thu hồ Ba Bể; Hội Lồng tồng Ba Bể, Hội xuân ATK Chợ Đồn; "Tuần Văn hóa – Du lịch" tỉnh Bắc Kạn…, nhưng lượng du khách đến với Bắc Kạn vẫn chưa có đột phá. Năm 2023, Bắc Kạn thu hút hơn 776.000 lượt du khách, doanh thu từ ngành "công nghiệp không khói" là 544 tỷ đồng. Con số này so với thị xã Sa Pa (Lào Cai) thì quá khiêm tốn (Sa Pa thu hút 3,7 triệu lượt du khách, doanh thu từ du lịch khoảng 12.000 tỷ đồng).
Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bắc Kạn cho rằng: "Bắc Kạn hội đủ các yếu tố về cảnh quan thiên nhiên, truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa đa dạng hấp dẫn để phát triển du lịch nhưng đến nay ngành “công nghiệp không khói” vẫn chưa thể bứt phá. Đây là điều trăn trở của Bắc Kạn nhiều năm nay, trong đó có những người làm du lịch như chúng tôi”.
Vùng Việt Bắc có tiềm năng đa dạng như: Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn và Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng; các hệ sinh thái đa dạng với tính đa dạng sinh học cao, các vườn quốc gia Ba Bể, Du Già, Phia Oắc – Phia Đén; các khu bảo tồn thiên nhiên như Hữu Liên, Na Hang, Lâm Bình; hệ thống hồ trên núi Ba Bể, Na Hang, Núi Cốc; hệ thống hang động, thác nước hùng vĩ: Bản Giốc, thác Tiên – đèo Gió, động Ngườm Ngao, động Hua Mạ, hang Pác Bó. Hệ thống các di tích lịch sử cách mạng Quốc gia đặc biệt: Pác Bó, Tân Trào, ATK Định Hóa, ATK Chợ Đồn...
Với giá trị tiềm năng lớn về du lịch, có nhiều lợi thế rất khác biệt cùng những nét văn hóa độc đáo, ẩm thực hấp dẫn, Việt Bắc là điểm đến hấp dẫn. Tuy nhiên, vùng còn khá hạn chế trong xây dựng thương hiệu du lịch vùng với sản phẩm đồng bộ, chất lượng, có giá trị gia tăng cao để phục vụ khách.
Nguồn khách du lịch của các tỉnh vùng Chiến khu Việt Bắc thời gian qua chủ yếu là thị trường nội địa, khách quốc tế còn thấp. Năm 2019, toàn vùng đón hơn 13,8 triệu lượt khách. Trong đó khách nội địa đạt hơn 10,8 triệu lượt (chiếm 78,3%), khách quốc tế chỉ đạt hơn 3 triệu lượt (chiếm 21,7%); năm 2022 đón gần 12 triệu lượt khách, trong đó chỉ có 1,2% khách quốc tế; năm 2023 đón hơn 14,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm 2,7%... Dù các tỉnh đều định hướng du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng đến nay tỷ trọng của lĩnh vực này khá khiêm tốn trong cơ cấu kinh tế của mỗi địa phương.
Có thể thấy, tốc độ tăng trưởng khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế chưa cao, bởi các tỉnh chưa tạo được sức hấp dẫn đủ lớn cho điểm đến. Chất lượng dịch vụ còn thấp so với nhiều địa phương khác, ngay cả với vùng Trung du miền núi phía Bắc; chưa đáp ứng tốt nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch.
Nhiều khu du lịch có tài nguyên nhưng sản phẩm, dịch vụ du lịch thiếu đa dạng, chưa tạo được những sản phẩm khác biệt, thiếu cơ sở lưu trú chất lượng cao nên chưa thể "níu chân" du khách. Điều này dẫn đến việc mặc dù tốc độ tăng trưởng lượt khách đến tương đối cao nhưng các chỉ tiêu phản ánh chất lượng phát triển như chỉ tiêu bình quân một lượt khách và thời gian lưu trú bình quân của một khách vẫn còn thấp và chậm thay đổi trong thời gian dài…
So với du lịch các tỉnh ở Tây Bắc thuộc vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, du lịch các tỉnh khu vực Chiến khu Việt Bắc phát triển "lép vế" hơn, mặc dù tiềm năng không thua kém./.
(Còn nữa)
Bài 2: Đã “liên” nhưng thiếu “kết”