Kho bạc Nhà nước Bắc Kạn tăng cường khai thác hệ thống dịch vụ công trực tuyến

BBK -Triển khai thực hiện Dịch vụ công trực tuyến Kho bạc Nhà nước, từ ngày 01/3/2020 KBNN Bắc Kạn đã triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trên phạm vi toàn tỉnh cho các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước, chủ đầu tư có mở tài khoản giao dịch tại KBNN Bắc Kạn và các đơn vị trực thuộc.
Giao dịch viên KBNN Bắc Kạn xử lý chứng từ chi ngân sách nhà nước trên hệ thống DVCTT

Giao dịch viên KBNN Bắc Kạn xử lý chứng từ chi ngân sách nhà nước trên hệ thống DVCTT

Sau 03 năm triển khai, đến nay, hệ thống DVCTT đã vận hành ổn định tại 100% các đơn vị sử dụng ngân sách thuộc đối tượng bắt buộc triển khai. Số giao dịch qua DVCTT ngày càng tăng, đã trở thành phương thức giao dịch chính giữa KBNN với các đơn vị sử dụng ngân sách.

Với đặc thù là một tỉnh miền núi giao thông đi lại khó khăn nếu giao dịch bằng hình thức trực tiếp (gửi chứng từ giấy trực tiếp tại KBNN) có nhiều đơn vị sử dụng ngân sách cần tối thiểu 3 giờ đồng hồ di chuyển đến KBNN Bắc Kạn để giao nhận hồ sơ chứng từ chi ngân sách Nhà nước. Việc triển khai thành công và vận hành ổn định hệ thống DVCTT giúp các đơn vị giao dịch gửi hồ sơ chứng từ qua mạng internet thuận tiện, kịp thời, mọi lúc, mọi nơi. Góp phần giảm thiểu thời gian, chi phí đi lại, tiết kiệm chi phí văn phòng phẩm so với phương pháp giao dịch bằng chứng từ giấy nên đã nhận được sự ủng hộ, đồng thuận cao của các đơn vị.

Hiện nay số lượng chứng từ thu, chi ngân sách trên địa bàn thực hiện hầu hết trên hệ thống DVCTT, bình quân mỗi tháng có 21.463 bộ hồ sơ giao dịch thanh toán các khoản chi ngân sách thực hiện qua KBNN trong đó trên 98% hồ sơ thực hiện qua DVCTT, chỉ còn gần 2% số lượng chứng từ giao dịch trực tiếp tại KBNN là chứng từ giấy của các đơn vị thuộc diện chưa bắt buộc phải triển khai DVCTT như: Các đơn vị khối An ninh, Quốc phòng, các hội, các hợp tác xã có số lượng chứng từ phát sinh ít chưa bắt buộc thực hiện, cùng một số nguyên nhân khác như: Đơn vị có thay đổi chủ tài khoản, kế toán trưởng, chờ cấp chứng thư số.

Song song với việc triển khai DVCTT, KBNN đã hoàn thiện cơ chế chính sách với định hướng cải cách tin học hóa đẩy mạnh triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin, quy trình liên thông giữa các chương trình ứng dụng DVCTT, Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và Kho bạc (TABMIS) và Hệ thống thanh toán điện tử với ngân hàng để tăng cường hỗ trợ khai thác tối đa các tiện ích, phát huy có hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin.

Quy trình liên thông giúp tự động hóa tối đa các bước xử lý hồ sơ chứng từ giao dịch trên hệ thống DVCTT giảm thời gian xử lý hồ sơ chi thường xuyên từ 15 phút xuống còn 5 phút, thời gian xử lý hồ sơ chi đầu tư từ 30 phút xuống còn 10 phút. Quy trình liên thông đã cơ bản rút ngắn thời gian giao dịch, hạn chế được sai sót trong quá trình xử lý hồ sơ, chứng từ góp phần nâng cao hiệu quả lao động, giảm áp lực cho đội ngũ công chức KBNN.

Qua đánh giá kết quả của các đơn vị về hiệu quả của hệ thống DVCTT từ khi triển khai đến nay ngày càng gia tăng tiện ích và phát huy ưu điểm như: Rút ngắn thời gian giao dịch và hoàn thiện hồ sơ giao dịch, tiết kiệm tối đa chi phí và thời gian đi lại, hạn chế rủi ro. Đồng thời cũng giúp cho đơn vị giao dịch có thể nắm rõ được thời gian, tiến độ tiếp nhận và xử lý hồ sơ tại KBNN, qua đó kịp thời thực hiện kế hoạch nhiệm vụ của đơn vị.

Để khai thác tối đa có hiệu quả các ứng dụng trên hệ thống DVCTT cũng như các ứng dụng khác, trong thời gian tới KBNN Bắc Kạn đã đề ra kế hoạch triển khai các biện pháp hỗ trợ để các đơn vị không phải đến KBNN nhận bảng kê thanh toán, đối chiếu số dư. Nâng cao chất lượng kiểm soát, giao nhận hồ sơ chứng từ của các đơn vị và KBNN.

Có thể khẳng định từ khi triển khai DVCTT đến nay đã tạo điều kiện thuận lợi, mang lại nhiều tiện ích cho các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước, các chủ đầu tư. Góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số vào các hoạt động nghiệp vụ của ngành và của tỉnh Bắc Kạn./.

Tạ Quốc Bảo

Giám đốc Kho bạc Nhà nước Bắc Kạn

Xem thêm